Chi Lăng: Khai thác lợi thế phát triển thương mại – dịch vụ

Những năm gần đây, chính quyền các cấp huyện Chi Lăng đã quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm khai thác tối đa lợi thế để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.

Khách hàng lựa chọn, mua sắm sản phẩm tại Điểm dừng nghỉ Hoa Hồi, thuộc xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng

Khách hàng lựa chọn, mua sắm sản phẩm tại Điểm dừng nghỉ Hoa Hồi, thuộc xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng

Huyện Chi Lăng có tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn với chiều dài gần 40km. Khai thác lợi thế này, thời gian qua, chính quyền huyện đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển thương mại, dịch vụ dọc 2 bên tuyến đường. Điển hình như tại đoạn tuyến chạy qua địa phận thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, chính quyền huyện đã tạo điều kiện để Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn xây dựng điểm dừng nghỉ Hoa Hồi với đầy đủ dịch vụ, tiện ích mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi.

Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc công ty cho biết: Từ năm 2020, được chính quyền huyện tạo điều kiện, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp khuôn viên, không gian cảnh quan và sắp xếp các gian hàng quy mô lớn hơn để phục vụ nhu cầu của khách. Đặc biệt, hiện nay, chúng tôi đã bày bán và quảng bá hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, của huyện được du khách rất quan tâm. Trong năm 2023, mỗi ngày điểm dừng nghỉ Hoa Hồi đón tiếp hàng trăm lượt khách, vào các ngày nghỉ, dịp lễ tết, số lượng khách đạt trên 1.000 lượt người/ngày.

Không riêng điểm dừng nghỉ Hoa Hồi, theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, dọc 2 bên đường quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện hiện có hơn 700 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô lớn với doanh thu đạt bình quân từ 300 triệu đồng/tháng.

Hay tại thị trấn Đồng Mỏ – trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện, dễ dàng nhận thấy những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực. Vỉa hè, lòng lề đường xung quanh khu vực chợ trung tâm được đầu tư cải tạo chỉnh trang tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương; các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, bách hóa ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân… Sự phát triển của lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn được thể hiện một phần thông qua tổng số thu ngân sách của thị trấn hằng năm luôn vượt dự toán. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn đạt gần 3,5 tỷ đồng, vượt 22,38% dự toán huyện giao.

Đặc biệt, những năm gần đây, huyện Chi Lăng còn khai thác lợi thế từ sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp để đầu tư, xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Hiện huyện đã xây dựng được 5 điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thào, chủ vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Từ vụ na năm 2022, gia đình tôi đã thực hiện mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Gia đình đã đổ bê tông tạo các lối đi, vệ sinh vườn sạch đẹp, dựng lều, cắm biển chỉ dẫn, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng… để phục vụ nhu cầu của các đoàn khách đến tham quan. Vụ na năm 2023, vườn của gia đình đón tiếp hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Linh Văn Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện khẳng định: Không chỉ tập trung phát triển ở các thị trấn, những năm qua, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện, tại hầu hết trung tâm các xã, cụm xã với đã dạng hình thức từ chợ truyền thống đến các đại lý, cửa hàng tự chọn, dịch vụ ăn uống, du lịch… Riêng trong năm 2023, có 7 chợ truyền thống trên địa bàn huyện được nâng cấp, sửa chữa, 140 cơ sở kinh doanh được mở mới, nâng tổng số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ toàn huyện hiện nay lên 3.830 cơ sở.

Tổng mức lưu thông hàng hóa, dịch vụ bán lẻ trên địa bàn huyện Chi Lăng tăng đều hằng năm và luôn thuộc tốp 3 huyện cao của tỉnh, như năm 2023 đạt 1.163 tỷ đồng, tăng 5,22% so với năm 2022; riêng trong tháng 1/2024, tổng mức lưu thông hàng hóa, dịch vụ bán lẻ đạt 108 tỷ đồng. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch cũng ngày một khởi sắc, năm 2023, huyện thu hút gần 358.000 lượt khách, đạt doanh thu hơn 169 tỷ đồng, tăng 91,7% so với năm 2022.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, từ đó tạo thế mạnh về cung ứng dịch vụ, hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là đặc thù, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép; khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi về chính sách, đất đai… để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án thương mại, dịch vụ.

Tuy không có lợi thế về thương mại biên giới, nhưng huyện Chi Lăng đã khai thác hiệu quả tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày một phát triển theo đúng chủ trương của huyện đề ra đến năm 2030 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh . Theo đó, tính đến nay, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 17,88% trong cơ cấu kinh tế của huyện (mục tiêu huyện đề ra đến năm 2030 lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm từ 17 – 18% trong cơ cấu kinh tế).

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/645485-chi-lang-khai-thac-loi-the-phat-trien-thuong-mai-dich-vu.html