Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: thuận lợi và nhanh chóng

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã nhanh chóng triển khai chỉ đạo thực hiện việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với quyết tâm cao và đã đạt được những kết quả nhất định.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người cao tuổi làm thủ tục mở tài khoản nhận chi trả tiền tiền trợ cấp hàng tháng. Ảnh: Duy Minh

Điều này đã giúp việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

72,22% đối tượng chính sách được chi trả qua tài khoản

Đến nay kết quả thực hiện việc mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và kết quả thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã đạt kết quả cao: 93,42% đối tượng đã mở tài khoản, 83,52% đối tượng đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản; 72,22 % đối tượng đã được chi trả qua tài khoản.

Cụ thể, trước thời điểm ngày 7/1/2024, số đối tượng đã chi trả qua tài khoản là 17.718 người, đạt tỷ lệ 6,1% trên tổng số đối tượng chính sách. Tính đến hết tháng 4/2024, số đối tượng đã chi trả qua tài khoản là 210.457 người/291.425 người, đạt tỷ lệ 72,22% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách toàn Thành phố.

Số người chi trả bằng tiền mặt là 80.968 người. Tổng số có 25 quận, huyện, thị xã thực hiện chi trả bằng tiền mặt. Trong đó, 24 quận, huyện, thị xã chi tiền mặt cho 67.390/291.245 người, chiếm tỷ lệ 23,12% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội toàn Thành phố; 1 huyện chi 100% bằng tiền mặt (huyện Đông Anh) cho 13.578/291.425 người, chiếm tỷ lệ 4,66% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội toàn Thành phố.

Trong giai đoạn cao điểm mở tài khoản và thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động, linh hoạt trong việc chi trả chế độ an sinh xã hội, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo thực hiện chi trả đúng, đủ đến tận tay đối tượng, đảm bảo theo đúng nhu cầu của người dân hưởng chính sách an sinh xã hội; kết hợp cả 2 phương thức chi trả qua tài khoản và bằng tiền mặt để đảm bảo chi trả chế độ an sinh xã hội cho đối tượng đúng tiến độ thời gian quy định, kịp thời cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Để có được kết quả đó, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tập trung lực lượng, tuyên truyền vận động, khuyến khích và triển khai đợt cao điểm mở tài khoản an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP đảm bảo đúng tiến độ.

Công tác tuyên truyền và vận động đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản được phổ biến rộng rãi, kịp thời đến từng người dân thông qua các phương tiện như loa phát thanh, các trang thông tin điện tử hoặc nhóm Zalo của tổ dân phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an, Tổ công tác 06 và giữ vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng để nhận chi trả trợ cấp hàng tháng.

Các đối tượng chính sách còn tâm lý dùng tiền mặt

Tuy nhiên, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội còn gặp một số khó khăn nhất định. Người hưởng chính sách an sinh xã hội là đối tượng hết sức đặc thù, nên có khá nhiều người không đủ khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tâm lý tiêu dùng tiền mặt của đối tượng an sinh xã hội (người cao tuổi, người khuyết tật, thương binh nặng...) còn phổ biến, đồng thời họ cũng không có nhu cầu mở tài khoản, không ủy quyền nhận trợ cấp qua tài khoản.

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc rút tiền mặt tiêu dùng, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt tại các huyện còn hạn chế, gây ra khó khăn lớn cho việc chi trả thanh toán không dùng tiền mặt của người dân hưởng chính sách.

Hiện tại, các ngân hàng chưa phổ biến, chưa đáp ứng được việc mở rộng hệ thống cây ATM đến khắp các xã, phường, thị trấn để phục vụ việc rút tiền cho đối tượng an sinh xã hội. Hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng cũng đang hạn chế ở địa bàn các huyện. Đây là hạn chế dẫn đến việc không thuận lợi cho việc phục vụ nhu cầu rút tiền mặt từ tài khoản của đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường vận động, tuyên truyền

Để việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội chưa mở tài khoản và đã mở tài khoản nhưng chưa đăng kí nhận trợ cấp qua tài khoản, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc mở tài khoản nhận trợ cấp không dùng tiền mặt để người dân tiếp tục mở tài khoản và đăng ký nhận trợ cấp chi trả an sinh xã hội qua tài khoản.

Thực hiện rà soát, làm sạch dữ liệu và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các đối tượng chưa được làm sạch dữ liệu, đảm bảo 100% đối tượng Người có công và Bảo trợ xã hội được làm sạch dữ liệu, cập nhật đồng bộ với dữ liệu Quốc gia về dân cư.

UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng đã mở tài khoản và đăng kí nhận chi trả trợ cấp qua tài khoản; đối với các đối tượng chưa đăng kí mở tài khoản và đối tượng bất khả kháng thực hiện các hình thức chi trả trực tiếp tại các điểm và tại nhà đối tượng đảm bảo trợ cấp an sinh xã hội được chi trả đúng số tiền, đúng đối tượng, đúng thời gian quy định.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chi-tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-thuan-loi-va-nhanh-chong.html