Chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa

Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Theo Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, với sự vào cuộc đồng bộ cùng các giải pháp quyết liệt được triển khai, ngành tài chính đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, chỉ riêng từ ngày 15.12.2023 đến 15.3.2024, ngành tài chính đã triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật.

Ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.483 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan từ 15.12.2023 đến 15.3.2024

Cụ thể, ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 14.593 doanh nghiệp và kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 185.352 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 13.951 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 4.253 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 2.641 tỷ đồng (số thuế đã nộp vào ngân sách gồm số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra phát sinh của quý I.2024 và số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra của các kỳ trước).

Trong đó, về kết quả thanh tra, ngành thuế đã thực hiện thanh tra 371 doanh nghiệp; tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, xử phạt 1.221 tỷ đồng, giảm khấu trừ 62 tỷ đồng, giảm lỗ 1.476 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào ngân sách 776 tỷ đồng. Đối với kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, thực hiện kiểm tra 14.222 doanh nghiệp; tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua kiểm tra 2.854 tỷ đồng, giảm khấu trừ 437 tỷ đồng, giảm lỗ 7.528 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào ngân sách 1.687 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.483 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.816 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 4 vụ án hình sự và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 30 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ chống buôn lậu và xử lý vi phạm pháp luật hải quan là 116,4 tỷ đồng.

Về đấu tranh phòng, chống ma túy, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng) phát hiện, bắt giữ 92 vụ, 38 đối tượng (trong đó cơ quan hải quan chủ trì 37 vụ); tang vật thu được trên 270kg ma túy các loại. Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp tích cực giữa các tỉnh, các ngành trong quá trình bắt giữ.

Kịp thời nắm bắt tình hình

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đánh giá, các vụ việc vi phạm do các đơn vị nghiệp vụ thuộc ngành tài chính phát hiện, đặc biệt là các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vũ khí… do cơ quan hải quan phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm sự ổn định thị trường, ổn định an ninh trật tự.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, bài học quan trọng đầu tiên chính là hiệu quả của việc chia sẻ dữ liệu thông tin giữa lực lượng đấu tranh trực tiếp với các đơn vị phối hợp, từ cấp Trung ương đến địa phương. Quá trình tổ chức triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Từ nay tới hết năm 2024, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cần tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm giám sát, kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa, vận chuyển hàng tạp hóa trị giá cao, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa...

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu tập kết hàng hóa gần biên giới, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh...

Đồng thời, các đơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an, cảnh sát biển và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hóa vi phạm, đặc biệt là trong đấu tranh các chuyên án về ma túy...

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/chia-se-thong-tin-phoi-hop-phong-ngua-i366016/