Chiều nay, tòa phúc thẩm tuyên án vụ Việt Á

Sau phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm, chấp nhận kháng cáo của 3 bị cáo trong vụ án liên quan tới các sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á.

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều nay, 17/5, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án đối với 11 bị cáo và 3 người có đơn kháng cáo trong vụ án liên quan tới các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan.

Trong phần trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Phan Quốc Việt có vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện các vi phạm xuyên suốt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; trong khi đó chỉ nộp khắc phục hậu quả thêm 200 triệu đồng là quá nhỏ so với thiệt hại gây ra, do đó, không có căn cứ để chấp thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Có 3 bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị chấp thuận kháng cáo, trong đó cựu Phó phòng Tài chính CDC Bình Dương được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Có 3 bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị chấp thuận kháng cáo, trong đó cựu Phó phòng Tài chính CDC Bình Dương được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Cùng với đó, Viện Kiểm sát cũng đánh giá, tại bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng 9 bị cáo khác đã được tuyên các mức án dưới mức khung hình phạt bị truy tố, là đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, do đó bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo này.

Ngoài ra, 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có đơn kháng cáo gồm: Công ty Việt Á, bà Đàm Thị Trinh, Hồ Thị Thanh Thủy (mẹ và vợ của bị cáo Phan Quốc Việt) cũng bị bác kháng cáo do không có căn cứ.

Tại phần tranh luận của các luật sư, bị cáo đối với quan điểm giải quyết vụ án của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính CDC tỉnh Bình Dương tiếp tục cho rằng, bản thân chỉ tiếp nhận chỉ đạo của cấp trên và chấp hành theo yêu cầu của ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC.

Ngoài ra, bị cáo cũng không được hưởng lợi gì trong vụ việc này; trong khi đó, bị cáo Danh được miễn trách nhiệm hình sự, nên đề nghị đại diện Viện Kiểm sát xem xét thấu đáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phong cũng cho rằng, sai phạm của ông Phong diễn ra vì tình thế cấp bách trong bối cảnh dịch Covid-19, thiếu kit xét nghiệm; đồng thời bị cáo không vụ lợi cá nhân, mà thực hiện công việc vì mục tiêu chung.

Cũng theo luật sư, sau khi được miễn trách nhiệm hình sự, ông Nguyễn Thành Danh cũng viết đơn xin tòa phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phong và các cấp dưới tại CDC Bình Dương.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phong về việc xin miễn trách nhiệm hình sự.

Trước đó, sau khi bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Trần Thanh Phong vẫn kháng cáo, với mong muốn được miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát cũng thay đổi quan điểm, đề nghị chấp nhận kháng cáo chuyển từ án tù giam sang tù treo cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC Bình Dương và bị cáo Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng Tài chính CDC Bắc Giang.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên đã bị tuyên phạt 24 tháng tù; còn Ngụy Thị Hậu 30 tháng tù.

Như vậy, Viện Kiểm sát đã đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo của 3 bị cáo, bác kháng cáo của 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 8 bị cáo còn lại, trong đó cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị tuyên y án sơ thẩm 18 năm tù; Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt 29 năm tù.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chieu-nay-toa-phuc-tham-tuyen-an-vu-viet-a-d215365.html