Chiếu phim 'Pháo đài Brest' kỷ niệm các sự kiện lịch sử lớn của Nga, Belarus và Việt Nam

Tối 5/5, buổi chiếu phim Pháo đài Brest đã được tổ chức tại Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga ở Hà Nội nhân dịp 78 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945-9/5/2023).

Buổi chiếu phim do Đại sứ quán Nga và Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời tại Hà Nội.

Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko phát biểu tại buổi chiếu phim 'Pháo đài Brest'. (Ảnh: Lê An)

Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko phát biểu tại buổi chiếu phim 'Pháo đài Brest'. (Ảnh: Lê An)

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định, buổi chiếu cũng nhằm kỷ niệm các dịp lễ lớn tại Việt Nam như 48 năm ngày Giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023).

Theo Đại sứ Genady Bezdetko, đây đều là những sự kiện lịch sử quan trọng, mang tầm vóc thế giới đã ghi danh sự hy sinh quên mình của những người chiến sĩ, anh hùng vì độc lập, tự do.

Pháo đài Brest là tác phẩm điện ảnh do hai quốc gia Nga-Belarus hợp tác thực hiện năm 2010.

Bộ phim của đạo diễn A.Kott tái hiện hình ảnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ Hồng quân trước cuộc tấn công bất ngờ của quân Đức vào ngày 22/6/1941 lịch sử.

Tại Pháo đài Brest ở biên giới phía Tây có khoảng 8.000 chiến sĩ Hồng quân. Họ phải đối đầu với 17.000 lính bộ binh và toàn bộ hỏa lực pháo binh, không quân, xe tăng của địch tiến ào ạt vào biên giới Liên Xô.

Quân Đức không nghi ngờ gì và cho rằng đến trưa 22/6/1941 sẽ chiếm được toàn bộ pháo đài. Thế nhưng phải đến một tuần sau chúng mới phá vỡ được tuyến phòng thủ này.

Bộ phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. (Ảnh: Lê An)

Bộ phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. (Ảnh: Lê An)

Sau khi pháo đài thất thủ, các chiến sĩ Hồng quân sống sót vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường gần một tháng nữa. Những dòng chữ để lại trên các bức tường ở tầng hầm pháo đài đã chứng tỏ điều đó: "Tôi chết, nhưng quyết không chịu đầu hàng!" và bên dưới dòng chữ được vạch trên đá ấy là: "20 tháng 7 năm 1941".

Bộ phim được chiếu bằng tiếng Anh kèm phụ đề tiếng Việt. Những thước phim điện ảnh sống động ghi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng đã mang lại rất nhiều cảm xúc cho những người tham dự.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chieu-phim-phao-dai-brest-ky-niem-cac-su-kien-lich-su-lon-cua-nga-belarus-va-viet-nam-226073.html