Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt giao dịch vàng, chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá

Giá vàng trong nước tiếp tục lập đỉnh bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức đấu thầu vàng. Nhiệm vụ xử lý tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới mà Chính phủ giao vẫn chưa được xử lý.

Giá vàng trong nước tăng chóng mặt bất chấp sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Ngọc Thịnh

Kiểm soát giao dịch vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đánh giá tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giao dịch vàng đứng trước nhiều áp lực, thách thức trước tình hình giá vàng, giá USD trên thế giới tăng cao và giá dầu thô, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh, các yếu tố rủi ro gia tăng.

Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỉ giá và lãi suất.

Thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường.

Đồng thời xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…

Đấu thầu vàng: Càng đấu giá vàng càng tăng

Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý tình trạng giá vàng trong nước tăng "điên loạn". Tuy nhiên, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tổ chức các buổi đấu thầu vàng, giá vàng vẫn hiên ngang lập đỉnh.

Giá vàng ngày 10/5 đã có lúc chạm mốc 92 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng. Điều này kéo mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên tới 18,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước được dự báo sẽ còn tăng mạnh lên mốc 100 triệu đồng/lượng trong thời gian tới, nếu không có biện pháp ngăn dòng tiền chảy vào kim loại quý này.

Việc giá vàng tăng "phi mã" ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu cơ, tích trữ của người dân. Một khối lượng vàng lớn sẽ không được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc đấu thầu vàng khó hạ nhiệt giá vàng vào thời điểm này, thậm chí qua nhiều phiên đấu thầu được tổ chức gần đây, càng đấu thầu giá vàng càng tăng.

Nhiều chuyên gia nhận định, điều cần thiết là phải sửa đổi Nghị định 24, coi vàng như mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm. Coi đây là vấn đề của chính sách thương mại mà không phải là chính sách tiền tệ.

Muốn giảm biên độ chênh lệch với giá vàng thế giới, mức giá đấu thầu phải sát hoặc thấp hơn trong nước. Bởi, giá đấu thầu cao càng kích thích tâm lý tích trữ của người dân.

Một số chuyên gia khác cho rằng, cơ quan điều hành nên quản lý chặt khối lượng giao dịch của các điểm bán. Điều này sẽ tránh được tình trạng thao túng giá vàng.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách, gỡ vướng kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Các mặt hàng do Nhà nước quản lý, như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... cần đánh giá kỹ tác động, lộ trình và thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chinh-phu-yeu-cau-ngan-hang-nha-nuoc-kiem-soat-chat-giao-dich-vang-chan-tinh-trang-dau-co-thao-tung-gia-179240510162729957.htm