Chính quyền nói gì việc 'bê tông hóa' vườn hoa Vạn Xuân?

Vườn hoa không chỉ là điểm nhấn trong không gian đô thị Hà Nội mà còn phục vụ đông đảo nhân dân trong nâng cao sức khỏe.

Vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh) sau cải tạo.

Vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh) sau cải tạo.

Mới đây việc cải tạo vườn hoa Vạn Xuân ở phường Quán Thánh (Ba Đình) vấp phải phản ứng của dư luận cho rằng việc cải tạo đã “bê tông hóa” không gian công cộng.

Cần “điểm nhấn” vườn hoa?

Thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”, trong năm 2023 quận Ba Đình đã tiến hành cải tạo các vườn hoa xung quanh hồ Trúc Bạch, xây mới 6 vườn hoa tại các khu vực phường Vĩnh Phúc, Kim Mã.

Cuối năm 2023, quận Ba Đình cải tạo, xây dựng các vườn hoa Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Vạn Xuân... Trong đó, vườn hoa Vạn Xuân (tên cũ là vườn hoa Hàng Đậu - PV) có những ý kiến trái chiều về khối bê tông.

Vườn hoa Vạn Xuân có diện tích khoảng 4.200m2 được cải tạo từ cuối năm 2023, vị trí giáp phố Phan Đình Phùng và Quán Thánh (Ba Đình), một mặt gần ngã tư Hàng Cót - Hàng Đậu (Hoàn Kiếm).

Thường xuyên lui tới đây chụp ảnh, anh Đỗ Tuấn Anh (Bắc Từ Liêm) bày tỏ, không gian mới của vườn hoa Vạn Xuân được khoác áo mới rộng rãi, hiện đại hơn.

Với cảnh quan sau cải tạo, xây dựng của Vạn Xuân phù hợp cho thanh thiếu niên chơi trượt patin, nhân dân tập thể dục, song mùa Hè sẽ nóng vì ít cây xanh và khối bê tông quá nhiều.

Một trong những điểm nhấn của vườn hoa là sau cải tạo khu vực vòi phun nước, thảm cỏ được thay thế bởi đèn và ánh sáng chìm, cùng với hệ thống loa tạo ra khu vực trình diễn nhạc nước.

“Ghế đá được thiết kế tận dụng ngay tại các bồn cây, tạo không gian nghỉ ngơi cho nhân dân. Song chất liệu đá bồn cây với hình dạng góc cạnh có cảm giác thô cứng, thiếu thân thiện với thiên nhiên...”, anh Đỗ Tuấn Anh bày tỏ.

Còn anh Hà Văn Quân (Đống Đa) thì cho rằng, cần bổ sung thêm cây xanh và cảnh báo, hoặc điều chỉnh góc cạnh bồn cây để tránh những tai nạn cho trẻ em.

“Khuôn viên vườn hoa cần nhiều cây xanh tạo bóng mát vì mùa Hè Thủ đô rất nóng, người dân thường ra công viên, vườn hoa để giải nhiệt. Vì vậy, nếu không gian vườn hoa chỉ có hạng mục cứng như bê tông sẽ mất đi sự thân thiện với môi trường...”, anh Hà Quân nói.

Theo ông Vũ Phi Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, trong năm 2023 quận triển khai việc cải tạo, nâng cấp một số vườn hoa ở nhiều tuyến phố như: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Vạn Xuân... phục vụ đông đảo nhân dân tăng cường rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Đồng thời, vườn hoa sau cải tạo tiếp tục góp phần xây dựng cảnh quan môi trường đô thị văn minh “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Ông Vũ Phi Hùng cũng thừa nhận có sự ồn ào, ý kiến ở vườn hoa Vạn Xuân. “Sau cải tạo các vườn hoa được nhân dân ủng hộ đánh giá cao, riêng vườn hoa Vạn Xuân chủ đầu tư thuộc về phường Quán Thánh...”, ông Hùng thông tin.

Chỉ đạo đơn vị thi công điều chỉnh

Liên quan đến vườn hoa Vạn Xuân, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị thi công điều chỉnh, sửa ngay những chi tiết về góc nhọn (ghế ngồi).

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, hiện nay vườn hoa Vạn Xuân chưa thi công hoàn chỉnh do còn một nửa thuộc diện tích ga C8, diện tích mảng xanh, cây xanh được bổ sung khi tiếp tục thi công. Bên cạnh đó một số bồn cây do thời gian trước Tết chưa trồng, sắp tới sẽ trồng bổ sung.

“Số lượng cây sau cải tạo không giảm mà tăng 14 cây, hiện các cây trồng mới được cắt tỉa, sắp tới sẽ tạo bóng mát bởi tán lá. Đồng thời, Ba Đình sẽ tiếp tục trồng thêm 20 cây. Khi thi công phần nằm trong ga ngầm C8 sẽ có nhiều cây tiếp tục được trồng tại đây...”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin.

Nói thêm về cây xanh ở vườn hoa Vạn Xuân, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, một số cây xấu, cong, yếu đã được thay thế. Các cây có vị trí không phù hợp đã được dịch chuyển. Mảng cỏ trước tượng đài được thay thế bằng dàn phun nhạc nước (diện tích trồng cỏ giảm 21%).

“Ý đồ chính trong cải tạo vườn hoa Vạn Xuân là tôn vinh tượng đài cảm tử nên đã tạo trục chính giữa kéo dài, kết nối không gian với tháp nước Hàng Đậu. Khu vực trước tượng đài (trục chính) thể hiện cuộc sống hòa bình, ấm no hiện nay, có tổ chức dàn phun nhạc nước… nên không trồng cây to, mảng cỏ tại đây là hợp lý...”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình lý giải.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cũng cho biết, đối với các bồn hoa tạo góc vát, sử dụng ngôn ngữ hình khối mạnh mẽ gợi lại hình ảnh chiến lũy đường phố và khí thế hào hùng những ngày toàn quốc kháng chiến… có thể ban đầu sẽ không thuận mắt.

Theo UBND quận Ba Đình, phương án thiết kế đã tiến hành xin ý kiến nhân dân, hệ thống chính trị và được ủng hộ. Các sở, ngành thành phố như: Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải, Cục Dân vận Bộ Quốc phòng… có văn bản đồng thuận.

Còn ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh khẳng định, thời gian tới, sẽ chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục chỉnh sửa hạng mục ghế đá, bồn hoa có góc nhọn. Trong đó, một số bồn hoa chưa trồng đủ cây sẽ được bổ sung.

Khu vực nội thành Hà Nội với mật độ dân cư sinh hoạt và làm việc đông, không gian công cộng, một số công viên, vườn hoa lại chưa được sử dụng đúng mục đích. Trước thực tế đó, nhiều năm qua TP Hà Nội đốc thúc việc đầu tư xây dựng các công viên mới. Đồng thời cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công viên, vườn hoa hiện có để tạo thêm không gian xanh.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chinh-quyen-noi-gi-viec-be-tong-hoa-vuon-hoa-van-xuan-post673680.html