Chính sách Hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08: Tiếp sức người dân phát triển kinh tế

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết số 15 ngày 17/7/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08) của HĐND tỉnh đã giúp nhiều hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn, lạm phát gia tăng, thị trường có nhiều biến động, từ năm 2019 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 08 và 15 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Nỗ lực triển khai

Để chính sách đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện nghị quyết. Theo đó, các ngành: kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học và công nghệ, tài chính, các tổ chức tín dụng (chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn) ban hành hướng dẫn liên ngành về trình tự, thủ tục, hồ sơ. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo…

Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Bình Gia là huyện nghèo, chính vì vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vốn đến người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm được UBND huyện quan tâm triển khai. Ngay sau khi Nghị quyết 08 được ban hành, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết; tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến triển khai và ban hành các văn bản hướng dẫn tới từng xã, thị trấn… Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cá nhân, tổ chức về thủ tục lập, hoàn thiện hồ sơ dự án theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết.

Đến nay, toàn huyện Bình Gia có 143 tổ chức, cá nhân được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 và 15 với dư nợ trên 44 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp cho các hộ gia đình, HTX có thêm nguồn lực để phát triển các mô hình sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, UBND huyện chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền lồng ghép về nghị quyết thông qua các cuộc hội họp, sinh hoạt từ huyện đến xã, thôn, bản, khu phố…

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, UBND các huyện, thành phố còn phối hợp với ngân hàng triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục; tổ chức đi thẩm định để rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ…

Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách ưu đãi, chi nhánh đã chỉ đạo sát sao đạo các chi nhánh huyện, thành phố và các phòng giao dịch loại II cử cán bộ đi cùng các đơn vị liên quan của huyện, thành phố đến thẩm định dự án. Khi các phòng, ban chuyên môn tiến hành thẩm định, cán bộ ngân hàng chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nhà đầu tư các nội dung liên quan đến ngân hàng. Từ đó, khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì các nhà đầu tư cũng hoàn thành các thủ tục vay vốn và việc giải ngân diễn ra nhanh chóng, thông suốt. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn, từ cuối năm 2020 đến nay, ngân hàng cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến từng thôn, bản; luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ ngân hàng nhiệt huyết, trách nhiệm hơn để thực hiện các bước hỗ trợ nhà đầu tư vay vốn…

Mô hình trồng cam của người dân xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng được vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08

Mô hình trồng cam của người dân xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng được vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08

Động lực giúp người dân vươn lên

Chính sách hỗ trợ đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Đông, thôn Nà Réo, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn. Anh Đông chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi lợn được 10 năm nay, tuy nhiên chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Cuối năm 2022, được sự tuyên truyền, hướng dẫn tận tình của cán bộ Agribank Bắc Sơn, gia đình tôi đã lập dự án vay 2,6 tỷ đồng hỗ trợ 100% lãi suất theo Nghị quyết 08 để mở rộng chăn nuôi. Có vốn, gia đình tôi đã xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, đầu tư hệ thống làm mát, hầm biogas và một số máy móc, trang thiết bị hiện đại để chăn nuôi trên 100 con lợn nái và sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán từ 50 đến 100 con lợn giống, đem lại doanh thu trên 50 triệu đồng/tháng.

Không chỉ gia đình anh Đông, những năm qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã được tiếp cận với chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08 và 15. Tiêu biểu như Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông lâm nghiệp Hoàng Trung, thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Ông Lã Ngọc Quang, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Năm 2020, hợp tác xã được thành lập, gồm 7 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi thỏ và vịt đẻ trứng. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn nhiều hạn chế nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Năm 2023, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã, hợp tác xã đã được vay 1 tỷ đồng theo Nghị quyết 08. Nhờ đó, hợp tác xã đã đầu tư mở rộng chuồng trại, trang bị thêm các lồng nuôi, hệ thống thông gió làm mát, dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi thỏ. Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, tôi và các thành viên yên tâm phát triển sản xuất, nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã xuất bán 700 - 800 con thỏ, tăng gấp đôi số lượng so với năm 2022, đem lại doanh thu trên 140 triệu đồng/tháng, và tạo thêm việc làm cho 7 lao động địa phương.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08 và nghị quyết 15. Cụ thể, đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.078 nhà đầu tư, trong đó, có 8 hợp tác xã được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 với tổng dư nợ trên 486 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, các hộ gia đình, HTX… đã có thêm điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, hơn 4 năm triển khai chính sách theo Nghị quyết 08, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng đã góp phần tiếp thêm nguồn lực xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng được quy định cụ thể tại điều 6 Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trong đó có một số quy định cụ thể như: hỗ trợ 100% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong danh mục dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án; hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án…

MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-sach-ho-tro-lai-suat-tin-dung-theo-nghi-quyet-08-tiep-suc-nguoi-dan-phat-trien-kinh-te-5003135.html