Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Kỷ niệm 122 năm ngày mất thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 12/1, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Hội LHPN thành phố tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) nhân kỷ niệm 122 năm ngày mất của bà.

Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại khu vực Núi Bân

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xóm Trù 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), trong một gia đình nhà nho hiếu học.

Từ thuở nhỏ bà đã được chăm sóc, dạy dỗ ân cần từ thân sinh Hoàng Xuân Đường và thân mẫu Nguyễn Thị Kép. Bà ảnh hưởng sâu sắc những đặc tính: thương người, giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa thủy chung; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của hai dòng họ, hai gia đình nội ngoại; là người chịu khó học hỏi, tự trang bị cho mình vốn văn hóa sâu sắc.

Để giúp chồng ăn học, năm 1895, bà cùng chồng (ông Nguyễn Sinh Sắc) và hai con vượt chặng đường thiên lý vào Kinh đô Huế, lấy nghề dệt vải làm kế mưu sinh.

Năm Canh Tý (1900), Bà Hoàng Thị Loan sinh thêm cậu Nguyễn Sinh Xin trong hoàn cảnh thiếu thốn vất vả và trong lúc chồng đi coi kỳ thi Hương ở tỉnh Thanh Hóa. Bà lâm bệnh nặng, mặc dù được người con Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng bà con lối xóm tận tình thuốc thang, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe quá yếu, bà trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901).

Theo đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuộc đời bà Hoàng Thị Loan là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, sự hi sinh to lớn, lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Đức tính hiếu thảo, đảm đang, chung thủy, giản dị, chân thật...của bà đã tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách cao thượng, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm thương dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TIn, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ky-niem-122-nam-ngay-mat-than-mau-chu-tich-ho-chi-minh-a122675.html