Chọi cá xóm nhà lá – truyện ngắn của THỤY BÌNH

1. Đầu hạ. Lúa đang vào vụ vàng rực ngoài đồng. Chiều chiều khói đốt đồng nồng cay trong mắt. Những đoạn mương dẫn thủy cạn trơ, thi thoảng dưới những lùm cỏ dại sót lại những mảng nước xanh thẫm lẫn trong màu xanh rong rêu.

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Trưa nắng gắt. Một tốp chừng tám chín đứa, trai có gái có, trốn ngủ, len lén ra khỏi giường, dang cái đầu khét nắng giữa trưa, rủ nhau đi be bờ bắt cá lia thia. Trong tay, đứa khư khư cái hũ sành đựng mắm sứt miệng mẹ nó mới vứt hôm qua. Đứa thì bưng hẳn một cái thau nhôm to hơn cả vòng eo của nó, để vừa tát nước, vừa đựng cá. Đứa xách cái xoong đen nhẻm thường ngày mẹ nó vẫn dùng nấu canh. Đứa thì khiêm tốn chỉ bê cái tô sứ nho nhỏ, xỉn màu.

Chúng cứ hướng cánh đồng, men theo bờ ruộng ven rặng tre ngà ràn rạt nắng mà đi. Khi ra đến đoạn mương còn kha khá nước, thằng Sơn cao to nhất lên tiếng: Hai đứa con gái có xuống be bờ không, hay chỉ đứng chờ bọn tao be xong rồi xuống bắt cá?

Nghe vậy, thằng An, đứa thường binh bọn con gái nói: Thôi để hai đứa con gái ngồi trên bờ, tụi mình be xong cho hai đứa nó xuống bắt, mà chắc gì hai đứa nó bắt được con nào!

Cả bọn đồng tình với ý kiến của thằng An.

Hai đứa con gái ngồi chờ lâu, chạy trở ngược vào hàng rào nhà ông Nhạn, với tay hái một lá chuối chia nhau làm dù che đầu.

Mấy đứa con trai hì hục đắp bùn, be thành một con lươn khoanh tròn ngăn nước. Chúng bắt đầu tát nước ra ngoài con lươn. Những chiếc lưng trần, những khuôn mặt lấm lem, trộn lẫn mồ hôi, hì hục tát. Một chặp lại nghe tiếng la oai oái của một đứa bị cua kẹp. Nắng vẫn gắt trên cao.

Cơn gió thổi qua, lấy mùi khét nắng trên đầu tụi nhỏ trộn vào gió. Vài con cá rô bị hất ra ngoài theo cái thau của thằng Đình, cùng những con tép nhảy tưng tưng óng ánh dưới nắng. Tụi nhỏ không quan tâm con rô, con tép, chúng chờ nước cạn để bắt những con cá lia thia màu sắc sặc sỡ mang về nuôi và mở cuộc thi xóm nhà lá.

Cuộc be bờ tát cá của bọn nhỏ cũng đến hồi kết. Thằng Sơn cao to bắt được ba con cá lia thia, thằng An được đâu chừng bốn con, nó chia cho con Hòa hai con, còn hai con nó bỏ vào hũ sành sứt miệng mang về. Vừa lệch bệch bước, thằng Lợi bắt được ba con lia thia, nghêu ngao hát: “Chiều nay em đi câu cá về cho má nấu canh chua…”.

- Toàn cá lia thia, má mày cũng nấu canh chua luôn hở Lợi?

Nghe thằng Hoành hỏi, thằng Lợi cụt hứng thôi không hát nữa, toét miệng cười để lộ hai chiếc răng sún ngay cửa miệng.

2. Thằng Sơn đặt vấn đề: Giờ phải đặt tên cho cuộc thi chọi cá chớ tụi bay?

Con Bình, đứa màu mè nhất nhanh nhảu: “Cá Hùng Gò Rậm”!

Thằng Phúc vỗ tay chan chát: Tên đó hay á!

- Gò Rậm là nơi tụi mình thường đá banh, với lại có nhiều cây to, mát rượi, tao thích. Thằng Hoành tiếp lời.

- Nhưng “Hùng Cá Gò Rậm” nghe nó kêu hơn, thằng An ra vẻ am hiểu.

Ba, bốn đứa nữa cùng vỗ tay chan chát, thế là chốt tên cuộc thi.

- Có hai tuần để tụi bay rèn luyện bản lĩnh, thể lực và kỹ năng cho cá, cuối tuần đầu sẽ tổ chức buổi giao hữu để kiểm tra con nào đủ tiêu chuẩn tham gia tranh giải. Thằng Sơn tự phong cho mình chức trưởng ban tổ chức, kiêm tổ trưởng tổ trọng tài phán quyết.

Ngày thứ nhất. Tụi nhỏ bắt đầu khởi động chiến dịch huấn luyện cá. Nước nuôi cá được múc từ giếng nhà bà nội thằng An vừa mát, vừa trong. Được ở trong ngôi nhà mới, con nào cũng quẫy đuôi, bơi lượn dè chừng, nhưng ngó bộ rất chi là sảng khoái. Tụi nhỏ nghe lời thằng Sơn đem chai nuôi cá đặt ở nơi tối để cá đậm màu. Đêm đến thì che miệng chai nửa kín nửa hở để thằn lằn không thể thò đuôi câu mất cá.

Trong thời gian huấn luyện, tụi nhỏ bày đủ trò để khi ra sàn đấu, cá của mình phải thật oai phong lẫm liệt. Cá thằng An cho con Hòa là cá mái, màu nhạt, vây õng ẹo, nhưng con Hòa cũng hạ quyết tâm huấn luyện nó thật bài bản, đúng quy trình, ăn uống đầy đủ theo hướng dẫn của thằng Sơn. Con Bình thì ngày ngày lấy gương soi của chị nó đặt trước chai cho con cá của nó trừng con cá trong gương. Nhìn vào gương, con cá của con Bình cứ tưởng đối thủ nên ngoắt qua ngoắt lại, trừng trừng con cá trong gương dữ dằn lắm. Thằng Đình và thằng Lợi thì rủ nhau đặt hai cái chai của hai đứa gần nhau, hai con hầm hầm nhìn nhau, đuôi cũng ngoắt qua ngoắt lại, hứa hẹn những trận đấu nảy lửa nay mai. Thằng Sơn luôn có lối đi riêng, nó âm thầm luyện cá bằng cách cột con ruồi vào sợi chỉ rồi nhử nhử cho con cá nhảy lên đớp. Thằng Sơn nói, làm vậy để nâng cao thể lực con cá.

Ngày giao hữu diễn ra âm thầm nhưng tụi nhỏ cũng hồi hộp đến mất ngủ. Khi cá tất cả đã vào vị trí sẵn sàng, thằng Sơn trịnh trọng thông báo: Tham gia giao hữu có tất cả tám người, vừa nói nó vừa đảo mắt đếm, chợt nó ngừng giọng, hỏi: Thằng Đình đâu sao không thấy?

Thằng Hoành nhanh miệng: Thằng Đình nó đi bá banh!

- Vậy thì loại thằng Đình khỏi vòng gửi xe.

Đứa nào cũng im ru đồng tình.

3. Sáng chủ nhật, cuộc chung kết tranh giải “Hùng Cá Gò Rậm” được khai mạc đúng dự kiến. Thằng An lấy hai cái nắp vung ra sân gõ một hồi rõ to và dài, cả bọn sẵn sàng trong tư thế quyết chiến quyết thắng.

Sau vòng loại, năm con cá của thằng Sơn, thằng Lợi, thằng Hoành, con Hòa và con Bình bại trận. Năm đứa tẽn tò bên cạnh năm cái chai, bên trong năm con cá nem nép sợ sệt, đuôi vây có phần xộc xệch sau trận cầu rất hăng. Hai con của thằng An và thằng Quận lọt vào vòng chung kết.

Trận chung kết diễn ra trên sân đấu là một cái thau nhôm méo mó. Cuộc tranh tài bắt đầu sau khi thằng Sơn trọng tài hô to: Một hai ba! Không biết hai con vào chung kết có nghe được tiếng thằng Sơn hô hay không, nhưng sau tiếng hô của nó, hai con quẫy mạnh đuôi xốc lại tinh thần, bắt đầu nghinh chiến. Hai con dè chừng thăm dò đối phương… Cá của thằng An có vẻ xem thường đối thủ. Cá thằng Quận yếu hơn nên thận trọng, thừa cơ tung cú hiểm, luôn chui dưới bụng con cá thằng An né đòn, bất ngờ nó ngóc đầu đớp vô bụng con cá thằng An, cả bọn nhảy cẫng lên hò reo…

Thằng An nhổm mông, bứt tóc. Tụi nhỏ từ chỗ ngồi chồm hổm để xem, đổi tư thế nằm dài quanh chiếc thau đạp chân cổ vũ. Sau khi bị đòn hiểm, cá thằng An lấy hết bình sinh lao vào, đuổi cá thằng Quận chạy có cờ, nhưng nó không chịu thua, nhẹ nhàng tránh mấy đòn hiểm, rồi bất ngờ quay lại khớp mỏ cá thằng An, hai bên ngậm lấy nhau múa lượn như xiếc. Bỗng roẹt, cá thằng An quẫy ngược đuôi, búng mạnh lên khỏi mặt nước, cá thằng Quận rách mỏ, bơi lảo đảo… Không hổ danh được vào chung kết, hai con liên tiếp đưa ra những thế hiểm, chúng lùi lại, rồi tiến lên, trừng nhau, rồi khớp mỏ, con cá của thằng Quận bỏ chạy… Danh hiệu “Hùng Cá Gò Rậm” thuộc về cá của thằng An. Thằng Sơn cật lực lắm mới dẹp được tiếng reo hò náo loạn của bọn trẻ, để chuẩn bị cho lễ trao giải.

Nghi thức trao giải danh hiệu “Hùng Cá Gò Rậm” diễn ra chóng vánh nhưng thể hiện được trách nhiệm của ban tổ chức và tổ trọng tài. Con Hòa làm công tác tổ chức, nó trịnh trọng mời thằng Sơn lên trao giải. Giải thưởng là một vòng nguyệt quế được con Bình kết từ sợi dây chuối với những chiếc búp hoa cau, hiện vật là hai trái ổi sẻ chín thơm lừng được thằng Sơn hái trên cây của ông nội bỏ trong túi quần đem tới. Thằng An tự hào ngẩng cao đầu cho thằng Sơn đội vòng nguyệt quế và trao hiện vật. Lực lượng cổ động viên vỗ tay rần rần.

Cuộc vui chưa kết thúc nếu không có tiếng mẹ thằng An la toáng từ trong bếp: Cái nắp vung nồi cơm mẹ rửa phơi ở đây bây giờ đâu rồi? Thằng An có lấy ra làm kẻng không thì đem vô đây cho mẹ!

Ngày hôm sau. Trên bàn học thằng An, cái chai nuôi con cá đoạt danh hiệu “Hùng Cá Gò Rậm” được đặt trịnh trọng bên cạnh hai trái ổi sẻ chín thơm phức cùng vòng nguyệt quế đã ngả màu. Phần thưởng thằng An dành riêng cho con cá hùng của nó là vài cây bèo tấm nhỏ xíu thả nổi trên mặt nước. Phía dưới, con cá lia thia mang danh hiệu “Hùng Cá Gò Rậm” quẫy đuôi bơi lượn...

* * *

Sau hơn 30 năm gặp lại, con Bình đem cuốn nhật ký cũ mèm đến quán và đọc cho cả bọn nghe, trong đó có đoạn: “Vườn cổ tích thời trẻ con đầy ắp kỷ niệm. Những buổi trưa trốn mẹ dang nắng đi bắt cá lia thia vẫn xanh hoài ký ức, trưa nay ùa về trong tiếng ve ngân mùa hạ…”.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316466/choi-ca-xom-nha-la-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-thuy-binh.html