Chọn ngành Pháp học, nữ sinh chia sẻ bí quyết đạt học bổng thạc sĩ ĐH Columbia

Mai Phương Hải Thương (sinh năm 1998) vừa nhận được tin đỗ học bổng toàn phần học thạc sĩ ngành Pháp học tại trường Đại học Columbia.

Mai Phương Hải Thương sinh ra và lớn lên ở tỉnh Gia Lai, sau đó chuyển ra thành phố Việt Trì (Phú Thọ) sinh sống với gia đình. Đến năm Hải Thương lên lớp 8, em theo bố mẹ ra Hà Nội sinh sống với mong muốn có cơ hội học tập tốt hơn.

Mai Phương Hải Thương (sinh năm 1998) vừa nhận được tin đỗ học bổng toàn phần học thạc sĩ ngành Pháp học tại trường Đại học Columbia (Ảnh: NVCC)

Hải Thương cho biết, từ nhỏ em và chị gái sinh đôi rất hứng thú với tiếng Anh do hay xem các bộ phim hoạt hình, truyện tranh và báo chí. Hơn nữa, mẹ em làm giáo viên dạy tiếng Anh nên đến năm em lên 6 tuổi, hai chị em đã tìm hiểu qua sách giáo khoa và tự học những câu đơn giản như “What is your name? How old are you?".

Sau đó, em tự tìm truyện bằng tiếng anh dễ đọc, như truyện của Nicholas Spark hoặc các truyện phiêu lưu như The Maze Runner.

Trong những năm học cấp 2, Hải Thương và chị gái có ước mơ thi vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngữ để được tiếp cận tiếng Anh nhiều hơn, được học tập trong môi trường năng động với các bạn học sinh rất tài năng từ nhiều nơi khác nhau hội tụ ở trường.

“Hồi đó, chúng em định đăng ký thi vào chuyên Anh, nhưng do còn hơi tự ti nên đã đăng ký vào chuyên Đức, vì nghĩ là điểm vào chuyên Anh có thể quá cao. Ai ngờ điểm đầu vào chuyên Đức khóa 45, năm đó là cao nhất, chúng em cũng thi đỗ mặc dù không có định hướng với nước Đức và cũng không biết gì về tiếng Đức”, Hải Thương kể lại.

Những năm học trung học cơ sở, Hải Thương luôn nung nấu ý định tìm một học bổng toàn phần để đi du học. Đến cuối năm lớp 10, đầu năm lớp 11, em trượt mấy học bổng, hoặc đỗ những học bổng bán phần, nên cũng có lúc nản chí.

Song em tình cờ thấy bài đăng của một chị học sinh ở Hà Tĩnh dành được học bổng toàn phần United World College (UWC) - Tổ chức giáo dục quốc tế có mục tiêu tạo điều kiện cho các bạn học sinh từ nhiều quốc gia khác nhau để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng hướng tới sự hòa bình.

UWC gồm 18 trường học trải trên khắp các châu lục. Nếu đỗ vào vòng cuối và được nhận, Ban tổ chức sẽ nhìn vào điều kiện tài chính của mỗi gia đình để “ghép" học sinh với trường có mức học bổng tương ứng.

Mai Phương Hải Thương thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng khi đi du học (Ảnh: NVCC)

Trước cơ hội này, Hải Thương mạnh dạn đăng kí và hi vọng sẽ được chọn vào UWC mỹ, nhưng do UWC Mỹ năm đó không cho nhiều học bổng, nên em được UWC Na Uy cho học với học bổng toàn phần.

Hải Thương cho biết, lần đầu tiên nghe thấy tên nước Na Uy, em chỉ biết là ở đó lạnh lắm, mà cuối cùng hai năm học ở đó bằng IB (International Baccalaureate), với 200 bạn từ 98 quốc gia khác nhau đã mở mang kiến thức cho em về lịch sử, địa lí, chính trị toàn cầu.

Em cũng tham gia những hoạt động ngoại khóa thường xuyên, đặc biệt hướng về thể thao do em yêu thích thể thao và những hoạt động mang tính cộng đồng, ví dụ như tham gia câu lạc bộ leo núi, tham gia Riddergagene và Ridderrennet - một sự kiện thể thao dành cho người khuyết tật với tư cách tình nguyện viên; Parasoccer- chơi bóng đá giao lưu với người khuyết tật; SOS Village - gây quỹ cho các em vùng làng SOS;…

“Em thấy học sinh Châu Á khi ra ngoài thế giới nhiều khi còn ngại ngùng và khép kín, do nền văn hóa phương Đông khép kín hơn phương Tây. Tuy nhiên, vì em biết bản thân may mắn dành được học bổng, và cũng bởi em là người khá tò mò về mọi thứ xung quanh, nên một mặt, em cố gắng lan tỏa giá trị của văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, điển hình qua các lễ hội văn hóa ở đây, nhưng một mặt cũng phát triển sự tự tin và bản tính tò mò muốn học hỏi để không ngại tham gia vào các hoạt động với bạn bè từ khắp thế giới”, Hải Thương chia sẻ.

Học xong ở Na Uy, nữ sinh quê ở Gia Lai có một năm “gap year", em dạy và tình nguyện tại trường Shree Mangal Dvip Boarding School ở Nepal - một trường sáng lập bởi sư Thrangu Rinpoche, với mục đích cung cấp hoàn toàn miễn phí nền giáo dục cho những em nhỏ từ Himalaya, phía Bắc đất nước, bố mẹ xuất thân từ Tây Tạng.

Khi đi du học, em có nhiều bạn xuất thân từ trường này nên đã xin cơ hội được làm và dạy các em nhỏ ở đây, đặc biệt là em nhận được học bổng, nên càng hiểu và hâm mộ hơn mục đích tạo cho các em nhỏ có một nền giáo dục miễn phí. Em dạy ở đây chủ yếu, sau đó dạy ở chùa liên kết với trường ở một vùng khác, ngày nghỉ đi leo núi, và có leo tới hồ Tilicho - một trong những hồ cao nhất thế giới ở độ cao 4919 m.

Mai Phương Hải Thương thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng khi đi du học (Ảnh: NVCC)

Sau “gap year”, Hải Thương nhận được học bổng toàn phần từ Middlebury College trị giá 64.000 USD/năm (hệ thống trường UWC hỗ trợ 50% học bổng cho các cựu học sinh học đại học ở Mỹ, và trường trao 50% học bổng còn lại).

Nhận học bổng này, Hải Thương vừa học vừa làm chủ yếu các việc làm mang tính cộng đồng và tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội.

Năm 2021, em là một trong nhóm 10 bạn được chọn lọc và nhận giải thưởng “Community Leadership for Social Service".

Hải Thương cho biết, các bạn đi du học thường học kinh tế, toán, lý hóa, bác sĩ, business. Em thì lựa chọn học tiếng Pháp.

Mặc dù các bạn nói 19 tuổi rồi mới học một ngôn ngữ, sao giỏi được, em vẫn ham mê học và học tiếng Pháp. Trái với nhiều người nghĩ là tiếng Pháp chỉ ở nước Pháp, em đặc biệt quan tâm tới văn hóa, lịch sử và văn chương của đất nước Tây Phi - nơi trong quá khứ mọi người nói tiếng Pháp do bị đô hộ.

Em sau này làm việc trợ giảng tiếng Pháp ở trường học hè tiếng Pháp Middlebury College French School hai mùa hè, và được khoa Pháp của trường giao cho việc quản lý “Nhà tiếng pháp" của các bạn sinh viên Khoa Pháp.

Học sinh chuyên khoa Pháp thường đi trao đổi 1 năm ở Cameroon (Trung phi, một trong những đất nước từng bị Pháp đô hộ nơi tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính) hoặc ở Pháp.

Em đã chọn Cameroon, dù nhiều người ở nhà nghĩ sang bên đó “khổ". Châu Phi trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam là nơi còn nghèo đói, cực khổ, nhưng đây cũng là nơi mà con người có nét cởi mở giống với Việt Nam.

Em sống ở Cameroon một năm, ngoài việc học, em còn gây quỹ cho một tổ chức phi Chính phủ giúp phụ nữ và các bạn gái ở vùng nông thôn có một nền giáo dục tốt đẹp hơn, và bảo vệ phụ nữ bị xâm hại. Tổ chức và em cùng nhau gây quỹ 2.500 USD, em viết một báo cáo cho tổ chức tới các tổ chức quyên góp.

Nơi đây cũng là nơi em viết bài luận khóa tốt nghiệp về cuộc chiến chính trị giữa hai nhóm người nói tiếng Pháp và nói tiếng Anh ở phía Tây Bắc của đất nước. Nguyên nhân liên quan tới lịch sử bị Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng ngày xưa. Em tốt nghiệp loại giỏi ở trường này.

Mai Phương Hải Thương xuất sắc đoạt học bổng toàn phần Master Ivy League (Ảnh: NVCC)

Sau khi tốt nghiệp, Hải Thương có viết báo cho Lepetitjournal - một tờ báo có trụ sở bên Pháp. Để có thêm nguồn thu nhập, em làm cho một công ty liên quan đến marketing khoảng 1,5 năm.

Khi rảnh, Hải Thương vẫn dạy tiếng Pháp, em có website dạy tiếng Pháp riêng của mình và cam kết đóng góp 10% cho các hoạt động xã hội.

Mặc dù có thu nhập ổn định khi mới ra trường, nhưng Hải Thương vẫn muốn theo học thạc sĩ tiếng Pháp.

Em đã nộp đơn cho Trường Đại học Columbia, một trong những trường đại học lâu năm nhất ở Hoa Kì, nằm trong top 8 Ivy League, từng là nơi học của những con người nổi tiếng của đất nước như tổng thống Obama, ca sĩ grammy Alicia Keys, doanh nhân đầu tư cổ phiếu Warren Buffett…

Trước khi nộp, em tìm hiểu và được biết là ở Mỹ, đặc biệt là cho các ngành xã hội, thường không cho học bổng đặc biệt là thạc sĩ chỉ từ 1-2 năm. Tuy nhiên trước khi đăng ký, em có tìm hiểu thấy là trường Columbia có 3 suất học bổng toàn phần cho học sinh của trường.

Em biết tỉ lệ là không nhiều, nhưng vẫn đăng ký, và may mắn. Một vài tiêu chuẩn trao học bổng đó là từng sống và làm việc trong môi trường đa dạng, thông qua trình độ học vấn đại học hoặc kinh nghiệm làm việc của mình, có tích cực phục vụ những nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn trong lịch sử; nghiên cứu học thuật về những nhóm dân số ít được đại diện trong lịch sử; do nền tảng kinh tế xã hội hoặc trải nghiệm cuộc sống đầy thử thách đã vượt qua trở ngại để lên đến hành trình học cao lên tiến sĩ hoặc thạc sĩ.

“Mặc dù không mạnh về tài chính so với các bạn phần đông học trường Ivy League, nhưng em chắc chắn với kinh nghiệm, sự ham học hỏi và lòng đam mê, em sẽ tận dụng để phát huy trong môi trường học tập danh giá của Columbia.

Em biết là con đường em chọn và đi theo không phổ biến nhiều đối với các bậc học sinh cha mẹ, nhưng đó lại là nguyên nhân giúp em được công nhận và đạt được một số thành tựu như học bổng này. Đây cũng là động lực để em tạo nên sự khác biệt, vươn xa hơn, tiếp tục phát triển bản thân và tận dụng năng lực để đóng góp cho cộng đồng một cách mới”, Hải Thương nói.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chon-nganh-phap-hoc-nu-sinh-chia-se-bi-quyet-dat-hoc-bong-thac-si-dh-columbia-post242538.gd