Chơn Thành giữ gìn và phát huy lễ hội phá bàu của người S'tiêng
Sáng 28-4, tại ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành đã diễn ra lễ hội phá bàu năm 2024.
Cũng giống như đồng bào Khmer, lễ hội phá bàu của người S’tiêng là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo của người S’tiêng xã Quang Minh nói riêng và cộng đồng người S'tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội phản ánh rõ nét đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Đồng thời cũng là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, sự giao lưu tình cảm không chỉ giữa các cư dân trong ấp mà cả với cộng đồng cư dân các khu vực khác.
Với mong muốn giữ gìn, duy trì và lưu truyền nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, trước đây lễ hội được người S’tiêng địa phương tổ chức định kỳ vào tháng 3 âm lịch hằng năm, khi lượng nước ở bàu đã bắt đầu cạn dần, thuận lợi cho việc đánh bắt cá. Tuy nhiên những năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên lễ hội được tổ chức 5 năm một lần.
Già làng Điểu Rê ở xã Quang Minh chia sẻ: “5 năm tổ chức một lần nên phải làm cho bài bản, đúng phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào mình để con cháu biết và học hỏi. Nếu không tổ chức được thì chắc chắn phong tục truyền thống này sẽ mất. Đó là điều trăn trở của các già làng như chúng tôi”.
Lễ hội phá bàu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người S’tiêng. Lễ hội không chỉ để bắt cá mà còn thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, là dịp để người dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, sản xuất… Bản sắc của lễ hội luôn được người S’tiêng duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người S’tiêng.