Chú cừu mang số hiệu 6LL3 - Dolly được tạo ra như thế nào

Ian Wilmut và Keith Campbell tạo ra Dolly, bản sao hoàn hảo của một chú cừu trưởng thành.

 Cừu Dolly ra đời từ sinh sản vô tính. Tranh trong sách.

Cừu Dolly ra đời từ sinh sản vô tính. Tranh trong sách.

Harry Griffin nhấc máy. Đó là buổi tối thứ bảy ngày 22 tháng 2 năm 1997, ông đang có những phút nghỉ ngơi khỏi công việc bận rộn ở viện Roslin của Scotland, nơi ông còn đang phải đối phó với cánh nhà báo.

Cuộc gọi đã làm xáo trộn ngày cuối tuần của ông. Ngày mai, một tờ báo chủ nhật sẽ đăng câu chuyện vốn dự kiến được giữ bí mật cho đến tuần sau. Các nhà khoa học tại Viện, hợp tác với công ty công nghệ sinh học PPL Therapeutics, đã tạo ra một con cừu nhân bản chính xác - một bản sao - của một con cừu trưởng thành.

Chú cừu mang số hiệu 6LL3 - Dolly - được sinh ra vào tháng 7 năm 1996. Báo chí và truyền hình đã cố gắng tìm ra ý nghĩa mà nàng cừu mang đến cho nhân loại. Hiện nay con người có thể được nhân bản không? Có nên như thế không?

Người dẫn đầu nhóm Dolly là kỹ sư di truyền người Anh Ian Wilmut không nghĩ như vậy. Ông muốn tạo ra những con cừu có thể làm ra thuốc trong sữa của chúng. Nếu ông có thể khiến một con cừu làm được như vậy thì nhân bản có thể tạo ra một bầy cừu như thế.

Nhiều động vật đã được nhân bản trước đây, nhưng tất cả đều từ các tế bào ở giai đoạn phát triển ban đầu. Khi một phôi phát triển, các tế bào của nó sẽ được chuyên biệt hóa. Một số làm nên dây thần kinh, một số làm nên cơ bắp... Các gen không cần thiết trong bất kỳ loại tế bào cụ thể nào sẽ bị “tắt đi”. Chính cơ chế này đã cho phép tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau chỉ từ một bộ gen.

Vì vậy, mặc dù mọi tế bào trưởng thành đều chứa tất cả các gen, nhưng không phải tế bào nào cũng có tất cả các gen đều ở dạng hoạt động. Năm 1995, một nhà khoa học khác tại viện Roslin là Keith Campbell đã tìm ra cách quay ngược đồng hồ và khiến một tế bào trưởng thành hoạt động giống như một tế bào phôi thai thời kỳ đầu.

Ông đã giữ cho các tế bào trưởng thành sống trong các đĩa nuôi cấy bằng cách sử dụng một môi trường chứa rất ít “nhân tố tăng trưởng” - thật ra là đưa chúng vào chế độ ăn kiêng. Sự đói khát này đã kích hoạt lại các gen bị tắt trong quá trình phát triển. Một tế bào được xử lý theo cách này, vì có đầy đủ các gen sẵn sàng hoạt động, khi kết hợp với một trứng đã bị loại bỏ nhân thì có thể trở thành điểm khởi đầu cho một động vật mới.

Wilmut và các đồng nghiệp của ông đã lấy trứng từ một con cừu và rút bỏ vật chất di truyền của nó bằng một cái ống tí hon. Sau đó, họ chèn một tế bào “bị bỏ đói” từ bầu vú của một con cừu khác. Một cú sốc điện nhỏ kích hoạt quá trình phân chia trứng để tạo ra phôi thai. Họ đã cấy phôi thai đó vào tử cung của một con cừu khác.

Họ phải làm điều này đến 277 lần chỉ để tạo ra một chú cừu Dolly - những mẫu khác đều chết ở một giai đoạn nào đó. Khi Dolly được sinh ra, nó không giống con cừu đã mang thai mình mà cũng không giống con cừu đã cho trứng. Nó giống hệt con cừu đã cung cấp tế bào vú.

Được định hình bởi các gen từ tế bào được cho, Dolly là bản sao của con cừu đó - lần đầu tiên trên thế giới. Sớm hơn một chút so với lịch trình, Dolly đã trở thành tin tức trên trang nhất.

Báo chí thế giới đổ dồn về Dolly sau khi tờ Observer của Anh đăng câu chuyện về cô cừu vào chủ nhật ngày 23 tháng 2 năm 1997.

Ngày 13 tháng 4 năm 1998, Dolly đã chứng minh rằng mình là một con cừu có đầy đủ chức năng bằng cách sinh ra cừu con khỏe mạnh tên là Bonnie. Tháng 3 năm sau, Dolly sinh ba. Những con cừu non hoàn toàn bình thường, nhưng Dolly có vẻ già hơn so với tuổi của nó.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-cuu-mang-so-hieu-6ll3-dolly-duoc-tao-ra-nhu-the-nao-post1391859.html