Chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, lũ

Để chủ động trước mọi tình huống có thể xảy trong mùa mưa, lũ, công tác đảm bảo an toàn giao thông đang được ngành giao thông vận tải và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm.

Mùa mưa, lũ năm 2024 cận kề, chính quyền xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) lo lắng bởi tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 152 vào trung tâm xã đã xuống cấp, nhiều điểm nguy cơ sạt lở rất cao khi có mưa lớn. Theo ông Chảo Láo Cáu, Chủ tịch UBND xã, mỗi khi mưa to, chính quyền xã lại tổ chức lực lượng thường trực để có biện pháp thông đường nếu xảy ra sạt lở, ùn tắc, đồng thời cảnh báo, hỗ trợ người, phương tiện qua lại.

Thị xã Sa Pa có địa hình hiểm trở, phức tạp, trong khi chỉ có tuyến Quốc lộ 4D vừa được nâng cấp, sửa chữa, cơ bản đáp ứng việc đi lại an toàn trong mùa mưa, lũ. Trên địa bàn còn 4 tuyến tỉnh lộ, gồm: 155 (nối Sa Pa với Bát Xát), 152B đến các xã Mường Bo, Liên Minh, 152 (Sa Pa đi huyện Bảo Thắng) và tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên Sa Pa; 10 tuyến đường huyện (tổng chiều dài 76,5 km) đến các xã, phường vùng cao đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa, lũ, bởi các tuyến đường này đều có quy mô đường cấp A - giao thông nông thôn chủ yếu đi quanh các sườn núi có độ dốc lớn với nhiều khe, suối hướng ra lòng đường. Vào mùa mưa, lũ, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, thậm chí có lũ ống, lũ quét tràn qua, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn đối với người và phương tiện khi lưu thông qua các tuyến này.

Tương tự, trên địa bàn huyện Văn Bàn, Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 151 từ xã Sơn Thủy (Văn Bàn) đi xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) là các tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhưng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa nên mặt đường và các hạng mục công trình như cống ngang, rãnh thoát nước, kè đường còn ngổn ngang. Khi bước vào mùa mưa, lũ, các tuyến đường này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập lụt, gây mất an toàn giao thông.

Có mặt tại công trường thi công gói thầu xây lắp XL-01, XL-02, XL-03 (chiều dài khoảng 63,44 km, đoạn qua địa phận các xã Làng Giàng, Hòa Mạc, Dương Quỳ, Thẳm Dương, Minh Lương), chúng tôi thấy hầu hết những đoạn đường đang được thi công mở rộng nằm trong khu vực địa chất kém ổn định, một bên bám theo triền núi, một bên bám theo suối Chăn với độ dốc lớn và taluy cao, nguy cơ sạt lở luôn chực chờ. Bên cạnh đó, Tỉnh lộ 151 từ xã Sơn Thủy (Văn Bàn) đi xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) cũng đang được sửa chữa mặt đường, taluy âm ở nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi mùa mưa, lũ đến.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Trước nguy cơ có thể xảy ra sạt lở, đất đá lăn gây mất an toàn giao thông trên 2 tuyến đường huyết mạch của huyện, UBND huyện Văn Bàn đã có văn bản gửi đơn vị thi công và chủ đầu tư yêu cầu thực hiện đầy đủ các phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình xây dựng trên các tuyến đường. Tại các vị trí thi công cống thoát nước ngang đường, rãnh thoát nước dọc khi chưa lắp đặt nắp, phải che đậy và có biện pháp cảnh báo từ xa; có phương án đảm bảo giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố do mưa, lũ.

Theo thống kê của ngành giao thông vận tải, trong mùa mưa lũ năm 2023, trên các tuyến Quốc lộ 279, 4D, 4 (tổng chiều dài 322 km) đã có 299 vị trí sạt lở taluy dương, 32 vị trị sạt lở taluy âm và hàng trăm vị trí hỏng nền đường, cống thoát nước… Đường tỉnh có 16 tuyến (tổng chiều dài 785 km) với 558 vị trí sạt lở taluy dương, 31 vị sạt lở taluy âm, 74 vị trí đất đá tràn ra mặt đường; thiệt hại ước tính trên 26,3 tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết điểm sạt lở, hỏng ở các tuyến quốc lộ được sửa chữa kịp thời, còn tại các tuyến tỉnh lộ, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục, quy trình thực hiện, nên nhiều điểm mới chỉ được khắc phục tạm thời để thông xe, còn lại vẫn chưa thể triển khai thi công sửa chữa hoàn trả như ban đầu. Đây là những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở, sụt lún trong mùa mưa, lũ năm 2024.

Dự báo tình hình mưa, lũ năm nay diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới các tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc và mất an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai.

Sở Giao thông vận tải yêu cầu Ban Bảo trì đường bộ tỉnh thực hiện nghiêm công tác tuần đường; triển khai kiểm tra toàn bộ hệ thống cầu, cống, khai thông cống thoát nước ngang, chướng ngại vật dưới gầm cầu và khu vực lân cận, sửa chữa các rãnh thoát nước ngang mặt đường để đảm bảo phát huy chức năng thoát nước của công trình trên tuyến và bảo vệ an toàn công trình. Cùng với đó, phối hợp với ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch phối hợp quản lý từng tuyến, nhằm phát huy tối đa khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn ngay ở cấp cơ sở...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chu-dong-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-trong-mua-mua-lu-post383159.html