Chủ động đào tạo giáo viên dạy tích hợp
Năm học 2024 - 2025, lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp, sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với sự ra đời của môn học này.
Cơ sở đào tạo vào cuộc sớm
Trước đó, từ năm 2019, một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm liên môn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình GDPT mới.
Trong đó phải kể tới Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế tuyển mới các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Giáo dục pháp luật, Lịch sử - Địa lý; Trường ĐH Vinh tuyển mới ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tuyển mới ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên…
Đại diện Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết, trường đã có sự chuẩn bị đề án, chương trình đào tạo các ngành này từ nhiều năm trước. Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố chương trình GDPT mới, trường đã xúc tiến mở ngành và tuyển sinh đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều trường CĐ sư phạm cũng bắt đầu tuyển các ngành sư phạm liên môn theo hình thức ghép môn như Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành Sư phạm Vật lý nhưng ghép thêm Hóa học, Sư phạm Lịch sử ghép thêm Địa lý, Sinh học ghép thêm Hóa học. Các trường khác như CĐ Sư phạm Gia Lai, Đà Lạt... đều tuyển sinh các ngành ghép liên môn...
Cũng từ năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Ông Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, việc xây dựng ngành đào tạo mới đáp ứng Chương trình GDPT 2018 là rất cần thiết. Điều quan trọng cần phải xây dựng được chương trình đào tạo. Trong quá trình giảng dạy cũng cần liên tục rà soát điều chỉnh nội dung phù hợp cho những sinh viên khóa sau được cập nhật kiến thức.
Mùa tuyển sinh 2024 này, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249) và Khoa học tự nhiên (mã số 7140247) trình độ ĐH (theo quyết định vừa được Bộ GDĐT ký). Việc mở ngành đào tạo tích hợp này được thực hiện sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình GDPT 2018 với sự ra đời của các môn học mới - môn tích hợp: Khoa học Tự nhiên; Lịch sử - Địa lý, và sau 3 năm, chương trình mới này chính thức được triển khai ở các trường trung học cơ sở trên khắp cả nước.
Cấp thiết thay đổi mục tiêu đào tạo
Theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới của Bộ GDĐT, năm học 2020 - 2021 triển khai đối với lớp 1, năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc dạy và học tích hợp liên môn ở bậc học phổ thông đang còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó cái khó nhất là giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, nhưng phải dạy liên môn. Muốn đứng lớp, các thầy cô phải học thêm kiến thức của những môn khác. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp, các giáo viên đều phải tham gia các lớp tập huấn. Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là các khóa đào tạo chứng chỉ tích hợp ngắn hạn đều khó đảm bảo chất lượng, khi thực tế một giáo viên phải mất 4 năm học tập, ra trường mới chỉ đủ năng lực giảng dạy đơn môn.
TS Phạm Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Sư phạm (ĐH Thủ đô Hà Nội) chia sẻ, mặc dù chưa có ngành đào tạo mới song để đáp ứng nhu cầu mới hiện nay, ngay từ những năm đầu tiên, sinh viên của nhà trường đã được học theo định hướng mới của chương trình GDPT năm 2018. Nhưng với môn tích hợp do chưa có chương trình đào tạo chính quy cụ thể nên chỉ có thể lồng ghép phần nào trong các giờ dạy cho sinh viên.
Đánh giá tổng kết của Bộ GDĐT cũng cho rằng, sau 3 năm triển khai Chương trình mới, các giáo viên vẫn còn nhiều loay hoay khi dạy môn tích hợp (ở khối THCS). Và mặc dù đã có kế hoạch từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đội ngũ sinh viên ngành sư phạm được đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng theo yêu cầu của nội dung mới.
Bà Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhận định, việc các trường sư phạm cần thay đổi mục tiêu, chương trình, mô hình đào tạo đã trở thành yêu cầu bức thiết từ lâu. Nhưng thực tế có rất ít sự thay đổi ở các trường đào tạo giáo viên để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo bà Thơ, dạy học tích hợp cần được đưa vào đào tạo giáo viên như là một phương pháp dạy học, đồng thời nội dung liên môn, các khoa học cơ sở cho môn học cũng cần được chú trọng đưa vào chương trình đào tạo.
“
Theo Bộ GDĐT, thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới, từ năm 2019 đến nay, Bộ đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước các mô-đun bồi dưỡng cho giáo viên về Chương trình GDPT (do Chương trình ETEP phối hợp với các trường ĐH sư phạm và các đơn vị liên quan đảm nhiệm). Việc triển khai dự án ETEP từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, với 27 mô-đun được triển khai, hầu hết các giáo viên ở 3 cấp đã được tập huấn để thích ứng với các phương pháp dạy học mới, đồng trục, đồng hành với những đổi mới của chương trình GDPT 2018.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-dao-tao-giao-vien-day-tich-hop-10273678.html