Chủ động sản xuất vụ hè thu trong điều kiện khô hạn

Dự báo vụ hè thu năm nay, khô hạn, thiếu nước tưới sẽ xảy ra trên diện rộng. Do vậy, ngay khi kết thúc vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đóng nước các công trình thủy lợi, hồ đập để nạo vét, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, chủ động đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

Công nhân Trạm thủy nông kênh Nam đang gia cố, sửa chữa mái taluy các vị trí kênh bị sạt lở ở khu vực huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Công nhân Trạm thủy nông kênh Nam đang gia cố, sửa chữa mái taluy các vị trí kênh bị sạt lở ở khu vực huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Tất bật vào vụ sản xuất

Tại các địa phương, nông dân cùng các HTX nông nghiệp đã làm đất, chuẩn bị sẵn lúa giống, phân bón, đợi hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước về là gieo sạ lúa vụ hè thu 2024.

Đang tất bật trên ruộng lúa của gia đình để kịp xuống giống đúng khung thời vụ, ông Bùi Văn Thạch ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cho biết: Vụ hè thu này, gia đình đã thuê máy cày ải, chang đất và rẻ đường nước thật kỹ trước khi gieo sạ. Hiện nay, đang mùa nắng nóng, đất ruộng có nguy cơ khô hạn. Tuy nhiên mới đây, địa phương đã nạo vét con kênh nội đồng phục vụ canh tác nên bà con rất yên tâm. Do đầu nguồn, nước dưới kênh dồi dào nên nông dân chủ động nước ra, vào ruộng khi cần thiết.

Bước vào vụ sản xuất mới, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa) đã trích từ nguồn thu dịch vụ gần 300 triệu đồng để đầu tư sửa chữa kênh mương nội đồng; thuê xe múc nạo vét bùn đất, rác thải trong lòng các tuyến mương.

Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX này cho hay: Vụ hè thu được xác định sẽ xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ, vì vậy chúng tôi tiếp tục vận động bà con cùng với HTX chủ động trong công tác tưới tiêu, đặc biệt là những diện tích nào khô hạn mà lượng nước tưới kênh chính chưa đảm bảo thì chúng tôi hỗ trợ bà con khoan giếng tại diện tích khô hạn ấy.

Còn tại Trạm thủy nông kênh Nam, những ngày qua, 100% công nhân của trạm đồng loạt ra quân sửa chữa công trình, tu bổ, nạo vét kênh mương, các cống đầu kênh, bể hút trạm bơm. Trong thời gian đóng nước từ 25/4-15/5, đơn vị cũng đã huy động Công ty TNHH Xây dựng 1/4 sửa chữa, bảo dưỡng các vị trí xung yếu, nạo vét đất bồi lấp lòng kênh, lát đanh các vị trí sạt lở, hư hỏng thuộc công trình trạm quản lý.

Ông Lê Kim Túc, cán bộ kỹ thuật, Công ty TNHH Xây dựng 1/4 cho biết: Đơn vị thi công đang cố gắng hết sức để làm xong công trình cấp nước cho bà con sử dụng. Mặc dù đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng công ty vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật và chất lượng, nhất là những đoạn mái taluy vừa đổ bê tông.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam), để đảm bảo cung cấp nước thông suốt đến các khu đồng vụ hè thu, công ty tập trung nguồn nhân lực tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy. “Trong đợt sửa chữa này, công ty đã huy động nhiều nhà thầu có đủ năng lực tập trung phương tiện và nhân lực sửa chữa 16 hạng mục gồm xây lắp công trình; tu bổ nạo vét hệ thống kênh mương; bảo dưỡng công trình máy móc thiết bị với kinh phí gần 9 tỉ đồng”, ông Chiến cho hay.

Chủ động điều tiết nước

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay đến khoảng tháng 7/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh, có 4/19 công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán không đảm bảo nguồn nước trong vụ hè thu, với hơn 1.500ha diện tích không đảm bảo nguồn nước…

Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh gieo sạ 24.500ha lúa. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, các địa phương cần kiểm tra, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn; đánh giá tình hình nguồn nước và khả năng cấp nước của các đập, hồ chứa để kịp thời điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần lên phương án huy động máy móc, phương tiện của người dân sẵn sàng đối phó khi xảy ra hạn hán.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT

Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ từ sớm; tổ chức họp đánh giá tình hình sản xuất, định hướng các giải pháp ứng phó để đảm bảo hiệu quả canh tác.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Trong vụ hè thu, giải pháp về điều kiện chế độ nước là quan trọng, nhất là đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước. Do đó, các địa phương phải tăng cường giám sát khô hạn, khuyến cáo thời gian xuống giống và các giống lúa ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, đặc biệt quan tâm về hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty Đồng Cam cho biết: Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, trời không mưa, lượng nước đến tại các hồ chứa Mỹ Lâm, Đồng Tròn, Hóc Răm, Kỳ Châu, Xuân Bình, Suối Vực, Lỗ Ân sẽ giảm dần và dẫn đến cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước tưới vụ hè thu. Để chủ động nguồn nước tưới tiêu, công ty đã xây dựng phương án chống hạn cụ thể từng khu đồng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực tế nguồn nước ở đầu mối tại các hệ thống thủy nông, các nguồn nước dự phòng từ sông suối, ao hồ, nước ngầm để có kế hoạch giữ nước, trữ nước; duy tu, bảo dưỡng các máy bơm điện và đường dây điện tại các trạm bơm.

“Ngoài 9 trạm bơm điện chống hạn sẵn có, nếu xảy ra khô hạn, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị HTX lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại xứ đồng bị hạn để kịp thời bơm nước cứu lúa”, ông Huệ nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Văn Trọng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, trên địa bàn huyện có 2 hồ thủy lợi Phú Xuân và Kỳ Châu do Công ty Đồng Cam quản lý.

“Để ứng phó hạn hán, huyện phối hợp với công ty xây dựng và triển khai phương án chống hạn; chỉ đạo các địa phương bảo đảm xuống giống đúng lịch thời vụ; thường xuyên kiểm tra tình hình cấp nước tại các công trình, giếng nước; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, sử dụng và chia sẻ nguồn nước khi xảy ra hạn hán. Hiện Công ty Đồng Cam đang khảo sát, lắp đặt trạm bơm điện chống hạn Bầu Sơn thuộc Trạm thủy nông Phú Xuân để bơm nước từ mực nước chết của hồ đổ vào các kênh…”, ông Trọng cho biết.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316536/chu-dong-san-xuat-vu-he-thu-trong-dieu-kien-kho-han.html