Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai, bão lũ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Từ đêm 20 đến rạng sáng ngày 21-4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa dông kèm theo lốc, sét tại các huyện, thành phố: Phổ Yên, Sông Công, Định Hóa, Phú Bình, làm 111 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trên 217ha cây lương thực, cây lâm nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gẫy; 510 con gia súc, gia cầm bị chết; 23 cột điện hạ thế bị gẫy đổ... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 6 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục hậu quả. Ông Đặng Văn Tỵ, Chủ tịch UBND xã Thành Công (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Thiệt hại về tài sản do trận lốc gây ra trên địa bàn xã ước khoảng 1,2 tỷ đồng. Chúng tôi đã cử cán bộ xã phối hợp với các xóm nắm bắt tình hình, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng chủ động khắc phục ngay để sớm ổn định cuộc sống.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, sét, lốc, mưa đá... thường xuất hiện trong những tháng chuyển mùa.
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu ban chỉ huy các huyện, sở, ngành tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra hồ, đập và hệ thống đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ đầu.
Ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, đập, hồ chứa nước trên địa bàn; tăng cường nhắc nhở, xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ. Cùng với đó, công tác chuẩn bị về vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố cũng được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Là huyện vùng cao, có địa hình phức tạp, hàng năm huyện Võ Nhai đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Năm 2023, thiên tai đã làm 1 người chết và thiệt thại tài sản trên 3 tỷ đồng. Để chủ động phòng, chống, năm nay huyện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.
Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, cho biết: Chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các đập tràn trên địa bàn để sửa chữa, khơi thông dòng chảy; xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập sâu.
Còn tại huyện Định Hóa, với đặc thù có nhiều hộ dân đang sinh sống tại các vị trí chân núi, sườn đồi, dưới chân ta luy dương, việc di dời người dân đến nơi ở khác rất khó khăn do quỹ đất hạn chế và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Vì vậy, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, chia sẻ: Huyện đã và đang xử lý bằng cách giật cấp, hạ độ cao ta luy dương. Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng múc đồi làm nền nhà; khi xây dựng các công trình dưới chân đồi cần có biện phát đảm bảo an toàn, chống sạt lở...
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai (mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất…) khiến 3 người chết; thiệt hại về tài sản khoảng 24,3 tỷ đồng.