Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, thăm gia đình chính sách tại Quảng Trị

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2023), chiều 16-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Đài tưởng niệm Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; thả bè hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại sông Thạch Hãn; thăm các gia đình chính sách tại Quảng Trị.

Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương…

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: DUY LINH

Về phía Quảng Trị có đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Quảng Trị cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ trong cả nước, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 1.800 anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành cổ Quảng Trị là nơi hàng nghìn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm (28-6 đến 16-9-1972) chiến đấu và bảo vệ thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; nguồn động viên, cổ vũ đồng chí, đồng bào tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân 1975, đưa đất nước đi đến thống nhất, hòa bình và độc lập.

Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: DUY LINH

Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên đoàn công tác nguyện sống, học tập, làm việc sao cho xứng đáng với đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước.

 Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thả bè hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thả bè hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Ảnh: DUY LINH

* Chiều cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày mất Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác tới dâng hương tại Khu di tích lưu niệm đồng chí Lê Duẩn, (thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ không chỉ riêng ở Quảng Trị mà còn đối với cả nước.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, đồng thời ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

* Cũng trong chiều 16-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước (Khu phố 3, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và gia đình thương binh Nguyễn Thị Phồn (thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

 Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phước. Ảnh: DUY LINH

Mẹ Nguyễn Thị Phước có chồng và 1 con là liệt sĩ; là con dâu của Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Chuốc (có 3 con trai và 1 cháu trai là liệt sĩ).

Thương binh Nguyễn Thị Phồn bị tỷ lệ thương tật 23%; là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 60%. Bà là du kích xã Triệu Thương, cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, bị địch đánh sập hầm, bị thương ở đầu và thủng màng nhĩ. Bà được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Ân cần thăm hỏi sức khỏe của Mẹ Nguyễn Thị Phước, thương binh Nguyễn Thị Phồn và các thành viên trong gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thị Phồn. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thị Phồn. Ảnh: DUY LINH

Suốt 76 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo và thực hiện nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và liên tục sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, pháp luật về người có công. Gần đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19-7-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 với nhiều điểm mới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người được hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội mong Mẹ Nguyễn Thị Phước, thương binh Nguyễn Thị Phồn luôn mạnh khỏe; tiếp tục giáo dục con cháu trong gia đình tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, tích cực góp sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

CHIẾN THẮNG

Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tuong-niem-anh-hung-liet-si-tham-gia-dinh-chinh-sach-tai-quang-tri-734800