Chủ tịch VICOFA nói gì khi giá cà phê lao dốc rồi bật tăng mạnh?

Sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang giảm sâu cho thấy nguồn cung cà phê trên thị trường vẫn đang hạn chế trong khi phải đến tháng 10 mới tới vụ thu hoạch mới

Ngày 20-5, ghi nhận thị trường cà phê trong nước, mức giá bình quân tăng thêm 200 đồng so với một ngày trước lên 104.000 đồng/kg.

Như vậy, giá cà phê đã hồi phục khoảng 10.000 đồng/kg so với mức thấp nhất trong đợt rớt giá đầu tháng 5.

Tuy nhiên, so với mức đỉnh được thiết lập cuối tháng 4 thì giá cà phê nội địa vẫn "hụt" mất khoảng 30.000 đồng/kg.

Đối với thị trường quốc tế, sắc xanh đang chiếm ưu thế những ngày gần đây và khả năng tăng vẫn tiếp tục. Chốt phiên giao dịch trên sàn London cuối tuần qua, cà phê Robusta giao tháng 7 ở mức giá 3.518 USD/tấn, tăng 98 USD/tấn so với phiên giao dịch trước.

So với phiên giao dịch ngày 8-5, giá cà phê Robusta đã tăng thêm 140 USD/tấn ở cùng kỳ hạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc giá cà phê quay đầu tăng, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho rằng có 4 nguyên nhân cơ bản cho diễn biến này.

Giá cà phê quay đầu tăng

Giá cà phê quay đầu tăng

Thứ nhất, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 4 đạt khoảng 148.000 tấn, giảm 9,5% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước; cập nhật số liệu xuất khẩu trong nửa tháng 5 (tính đến 15-5) chỉ khoảng 40.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp nước ngoài FDI chiếm 47%, tăng nhiều so với trước đây (niên vụ 2021-2022 khoảng 32%). Điều này cho thấy tồn kho cà phê vụ trước của Việt Nam còn rất ít trong khi phải đến tháng 10-2024 mới có vụ thu hoạch mới.

Thứ hai, Brazil tuy bước vào vụ thu hoạch nhưng chỉ mới đầu vụ, sản lượng ít và giá không thấp hơn nhiều so với cà phê Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố về cước vận chuyển quốc tế hiện nay vẫn ở mức cao nên giá cà phê khó giảm.

Thứ ba, các quỹ đầu tư, nhà đầu cơ quốc tế sau đợt bán ra để chốt lời, nay bắt đầu chu kỳ mua vào mới thúc đẩy giá cà phê tăng.

Thứ tư, dù các vùng trồng cà phê của Việt Nam đã có mưa nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến niên vụ tới. Trước mắt, từ nay đến tháng 10-2024, nguồn cung cà phê Việt Nam còn rất ít để đưa ra thị trường.

Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dẫn đầu thị trường của Việt Nam cũng thừa nhận tồn kho giảm, dự kiến sẽ cạn kho vào tháng 5, tháng 6 chứ không đủ để cung cấp đến khi bước vào vụ mới.

Tin-ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-vicofa-noi-gi-khi-gia-ca-phe-lao-doc-roi-bat-tang-manh-196240520122131045.htm