Chú trọng tuyên truyền, giám sát an toàn thực phẩm

Đây là nhiệm vụ quan trọng được ngành Công Thương triển khai hằng năm nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trao đổi với Báo Phú Yên về công tác này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết:

Cán bộ ngành Công Thương tham gia kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ở TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

- Ngành Công Thương quản lý 7 nhóm thực phẩm, bao gồm: Bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nhưng phần lớn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, không sản xuất thường xuyên, nên công tác cấp phép, kiểm tra, kiểm soát còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn

* An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan trọng, đặc biệt trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, tuyên truyền… của ngành được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Sở Công Thương đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kế hoạch 59-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 119/KH-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, giúp cán bộ, công chức hiểu rõ và nhận thức tốt về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Hằng năm, đơn vị tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về tầm quan trọng của ATTP, từ đó chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về nội dung ATTP, phổ biến, khuyến cáo về sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ...

Sở Công Thương cũng thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân; ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác ATTP.

Cụ thể mỗi năm, sở đều ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động quản lý ATTP, kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành; chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tuyến tỉnh dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân hay trong Tháng Hành động về ATTP, tết Trung thu...

Tính trong 3 năm (từ 2021-2023), sở đã chủ trì 6 đoàn kiểm tra liên ngành, 1 đoàn kiểm tra hậu kiểm và phối hợp tham gia 14 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại 94 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Qua các đợt kiểm tra, đoàn đã phát hiện, xử lý 1 cơ sở vi phạm; lấy 14 mẫu để kiểm nghiệm...; cấp 40 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành quản lý; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ sở trong việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP.

* Xin ông cho biết thêm về việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của cấp trên liên quan công tác ATTP và kết quả đạt được?

- Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về ATTP của ngành Công Thương đã được tiến hành kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, không xảy ra ngộ độc thực phẩm liên quan đến các sản phẩm, loại hình kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Trong tuyên truyền, đơn vị luôn đổi mới, đa dạng về hình thức như: Treo băng rôn, pano, đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát ATTP, hướng dẫn, kiểm tra về việc cung cấp các chứng chỉ và danh sách cơ sở đã ký cam kết ATTP tại địa phương; hướng dẫn, đôn đốc cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP có đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn được giao, mang lại hiệu quả trong công việc. Công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật, thanh, kiểm tra, giám sát về ATTP được ngành Công Thương chú trọng nên đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Nhận thức của người dân trong mua sắm, sử dụng hàng hóa, thực phẩm và ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên.

* Thưa ông, để đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, giải pháp cần thiết hiện nay là gì?

- Từ công tác kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi nhận thấy rằng, trên địa bàn vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATTP, đơn cử như chưa duy trì chế độ vệ sinh định kỳ, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định của nhà sản xuất, chưa chấp hành nghiêm túc các thủ tục hành chính có liên quan đến ATTP. Điều này xuất phát từ quy mô sản xuất, kinh doanh của cơ sở còn nhỏ lẻ, nhân công lao động ít, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa được nhân rộng…

Thêm vào đó, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không được trang bị nên khó lấy mẫu, kiểm tra nhanh những chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với các sản phẩm do ngành quản lý. Mặt khác một số sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để có căn cứ triển khai thực hiện.

Vậy nên giải pháp hiện nay là, ngành Công Thương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về ATTP đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh; tiếp tục rà soát, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý về ATTP.

Ngoài ra, đơn vị cũng thực hiện công tác quản lý, kiểm soát ATTP trên cơ sở bám sát các nội dung, nhiệm vụ, hướng dẫn thực hiện của các cấp; đồng thời chủ trì tổ chức, phối hợp với các địa phương, ngành chức năng của tỉnh tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Sở cũng đã kiến nghị các đơn vị có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện tự công bố sản phẩm và các đoàn thanh tra, kiểm tra khi tiến hành công tác hậu kiểm về chất lượng sản phẩm; hướng dẫn cụ thể việc quản lý nhà nước về ATTP đối với chợ, trung tâm thương mại, hoạt động kinh doanh thực phẩm trực tuyến, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ATTP.

* Xin cảm ơn ông!

VÕ PHÊ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/315820/chu-trong-tuyen-truyen-giam-sat-an-toan-thuc-pham.html