Chưa có giấy phép đã tận thu cát (!?)

Chưa có giấy phép nhưng chủ đầu tư thủy điện đã hợp đồng với công ty khác nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo ở Lâm Đồng, trong đó có tận thu cát.

UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Công an địa phương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát các hoạt động trái phép trong lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo (xã Phi Tô) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Công ty Long Hội) làm chủ đầu tư.

UBND xã Phi Tô được giao tăng cường kiểm tra, phát hiện và chủ động xử lý các vi phạm tại lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo. Khi nhận được thông tin về các trường hợp hoạt động trái phép, phải kịp thời kiểm tra, lập biên bản ghi nhận, xác định chủ phương tiện hoạt động vi phạm trong lòng hồ.

Đối với Công ty Long Hội, UBND huyện khẳng định hợp đồng bảo vệ và nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo giữa chủ đầu tư này với Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Tĩnh (Công ty Đoàn Tĩnh) có nội dung tận thu cát là chưa bảo đảm.

Theo cơ quan chức năng, hoạt động tận thu cát phải có giấy phép mới được hoạt động. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, Công ty Đoàn Tĩnh không xin phép. Do đó, UBND huyện Lâm Hà yêu cầu Công ty Long Hội chấm dứt hợp đồng với Công ty Đoàn Tĩnh.

Những ngày có mặt tại khu vực hồ thủy điện Đa Cho Mo, phóng viên nhận thấy một con đường đất nối từ thôn Hang Hớt (xã Mê Linh) vào hồ thủy điện này thỉnh thoảng vẫn có một số xe tải chở vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát lưu thông; trên đường còn nhiều dấu vết cát vương vãi dẫn từ đường quanh hồ ra trụ sở Công ty Đoàn Tĩnh và phía bên ngoài.

Trong lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo, ai đi ngang cũng dễ bắt gặp một con tàu sắt neo đậu ven bờ dù UBND huyện yêu cầu có phương án di dời phương tiện này ra ngoài từ lâu. Phía sâu trong hồ có một thuyền gỗ lớn cũng đang nằm bờ.

Tàu sắt cùng nhiều dây, ống và máy móc tận thu cát đậu trong lòng hồ, đoạn gần đập thủy điện Đa Cho Mo

Tàu sắt cùng nhiều dây, ống và máy móc tận thu cát đậu trong lòng hồ, đoạn gần đập thủy điện Đa Cho Mo

Trao đổi với ông Đoàn Văn Tĩnh, chủ Công ty Đoàn Tĩnh, về yêu cầu chấm dứt hợp đồng nạo vét với Công ty Long Hội, ông Tĩnh cho rằng đó không phải chấm dứt mà là tạm dừng. "Đây là tạm dừng để khi có giấy phép tận thu mới được làm, chứ chấm dứt hợp đồng là không đúng" - ông Tĩnh cho biết.

Khi phóng viên đọc lại từng chữ trong văn bản của UBND huyện Lâm Hà về việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng giữa Công ty Long Hội và Công ty Đoàn Tĩnh, chủ doanh nghiệp này lại vòng vo: "Đấy là đề xuất của huyện, vì anh chưa có giấy phép để nạo vét. Bên anh và bên Long Hội chưa chấm dứt được vì phía Long Hội giao cho anh với điều kiện bên Đoàn Tĩnh phải lo thủ tục pháp lý. Do vậy, huyện bắt anh tạm ngưng, khi nào lo xong pháp lý thì mới được hoạt động".

Nói về việc nhiều xe tải của công ty vẫn chạy chở vật liệu từ hồ Đa Cho Mo lên, ông Tĩnh nói rằng đó là "chở đá để bảo dưỡng đường kênh mương và đường của người dân phản ánh hư hỏng chứ không phải là tận thu cát từ hồ lên"(?) Còn 2 phương tiện tàu sắt và tàu gỗ trong lòng hồ, ông Tĩnh khẳng định không phải của công ty mình.

Trước đó, vào tháng 1-2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo và phát hiện 1 tàu khai thác khoáng sản trái phép nên UBND huyện giao cơ quan chức năng địa phương xử lý.

Đến tháng 4-2024, chính quyền ban hành văn bản gửi đến Công ty Long Hội, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc nạo vét trong phạm vi kênh dẫn nước, đập, hồ chứa, của nhà máy thủy điện Đa Dâng - Đa Cho Mo kết hợp thu hồi cát, sỏi xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bài và ảnh: Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chua-co-giay-phep-da-tan-thu-cat-19624051520550121.htm