Chuối ép sấy dẻo Bà Bài: Cải tiến để vươn xa

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (tổ 6, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã khôi phục thành công thương hiệu chuối ép sấy dẻo Bà Bài của gia đình.

Sản phẩm đã trở thành thức quà quê ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Vùng đồi đá tại thị xã Ayun Pa từ lâu được người dân tận dụng trồng chuyên canh cây chuối mốc. Không tốn nhiều công chăm sóc, cây lại tự sinh sôi phát triển nên chuối mốc trở thành nguồn trái cây dồi dào tại địa phương.

Trên cơ sở đó, từ những năm 80 của thế kỷ trước, dọc tuyến đường Nguyễn Thái Học trở thành trung tâm tập kết, tiêu thụ chuối tại thị xã Ayun Pa. Nhiều cơ sở chế biến chuối sấy, chuối chiên ra đời, trong đó, chuối ép sấy dẻo Bà Bài được mọi người ưa chuộng nhất bởi hương vị thơm ngon, mềm dẻo.

 Hệ thống máy sấy chuối giúp chị Hạnh tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Vũ Chi

Hệ thống máy sấy chuối giúp chị Hạnh tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Vũ Chi

Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống của cả khu dân cư dần mai một. Một số người chuyển đi nơi khác sinh sống, một số hộ tận dụng mặt bằng chuyển đổi ngành nghề để có thu nhập cao hơn. Cơ sở chế biến chuối ép sấy dẻo của gia đình bà Bài vẫn duy trì nhưng sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là người quen đặt hàng.

Món ăn vặt nổi tiếng một thời dần vắng bóng. Chuối vẫn tập kết về nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và các huyện lân cận hoặc được vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều khi tiêu thụ không kịp, phải đổ bỏ gây lãng phí, chị Hạnh (con dâu bà Bài) cùng chồng quyết tâm gầy dựng lại nghề truyền thống của gia đình. Được mẹ truyền cho bí quyết, ban đầu, vợ chồng chị Hạnh chỉ sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị xã. Sau nhiều lần tìm tòi, học tập, năm 2023, vợ chồng chị quyết định đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất.

Chị Hạnh cho hay: Cả 2 vợ chồng đều làm công chức nhà nước nên thời gian eo hẹp. Để tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình đầu tư máy sấy chuối và máy hút chân không trị giá hơn 30 triệu đồng.

Nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp thủ công, mỗi mẻ chuối mất 3 ngày để phơi nắng mới thành phẩm thì nay mỗi mẻ chỉ mất 10 giờ và có thể sấy tối đa 2 mẻ/ngày. Nhờ nhiệt độ đảm bảo, chuối được sấy khô đều nên có màu vàng nâu tự nhiên. Đồng thời, do không chịu tác động từ môi trường nên sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đóng gói và hút chân không, sản phẩm có thể bảo quản tới 6 tháng thay vì chỉ vài tuần như trước đây.

Chia sẻ về bí quyết giúp sản phẩm có độ mềm, dẻo, thơm ngon, chị Hạnh cho biết: “Chuối phải đang chín tới. Nếu còn xanh, chuối sẽ bị chát. Nếu chín quá, khi ra thành phẩm, chuối có màu đen, mất thẩm mỹ. Sau khi sấy khoảng 8 giờ, chuối được lấy ra nhúng vào nước gừng nấu sẵn rồi rắc 1 lớp mè trước khi cho vào máy sấy thêm 2 giờ nữa. Nhờ vậy, chuối vừa có vị ngọt tự nhiên vừa thơm mùi gừng và ngậy vị mè, tốt cho tiêu hóa và tim mạch”.

Kể từ khi có mặt trên thị trường (năm 1980) đến nay, sản phẩm chuối ép sấy dẻo Bà Bài luôn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ có mặt tại thị trường trong tỉnh mà sản phẩm còn vươn tới Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Với giá bán 120 ngàn đồng/kg, mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường 2 tạ chuối ép sấy dẻo. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình chị Hạnh thu về vài chục triệu đồng trở lên.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (tổ 6, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) khôi phục thành công thương hiệu chuối ép sấy dẻo Bà Bài. Ảnh: V.C

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (tổ 6, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) khôi phục thành công thương hiệu chuối ép sấy dẻo Bà Bài. Ảnh: V.C

“Thuận lợi lớn nhất của cơ sở là nguồn nguyên liệu chuối có sẵn quanh năm nên giá cả ổn định. Hàng ngày, bà con nông dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số gùi chuối đến tận nhà nên không tốn chi phí vận chuyển.

Tôi thấy hạnh phúc vì vừa giữ được nghề truyền thống, tăng thu nhập cho gia đình vừa giúp nâng cao giá trị trái cây tại địa phương. Gia đình cũng hy vọng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư thêm máy ép và máy sấy chuối công suất lớn, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường”-chị Hạnh bày tỏ.

Là khách hàng lâu năm, bà Phạm Thị Liên (tổ 6, phường Sông Bờ) chia sẻ: “Trải qua hàng chục năm, sản phẩm chuối ép sấy dẻo Bà Bài vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi lần về quê Bình Định chơi, tôi vẫn mua chuối ép sấy dẻo Bà Bài để đem về làm quà cho người thân và bạn bè”.

Trao đổi với P.V, bà Trương Thị Ngọc Tuyết-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đoàn Kết-đánh giá: Mô hình chế biến chuối ép sấy dẻo không chỉ giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm trái cây địa phương mà còn là mô hình khởi nghiệp sáng tạo, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình chị Hạnh.

Nhờ đưa máy móc vào sản xuất, chị Hạnh đã khắc phục được những nhược điểm trong cách sấy truyền thống, tạo ra sản phẩm chuối sấy thơm ngon, mềm dẻo, hấp dẫn.

Thời gian tới, Hội sẽ hướng dẫn chị Hạnh tham gia cuộc thi khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức để được hỗ trợ nguồn vốn mở rộng sản xuất cũng như tham gia Chương trình OCOP, khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuoi-ep-say-deo-ba-bai-cai-tien-de-vuon-xa-post277754.html