Chương trình đào tạo song bằng đã đạt được các mục tiêu đề ra

Ngày 4/4, tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội thảo về công tác triển khai đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và trung học phổ thông (THPT).

Theo báo cáo việc triển khai đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng giai đoạn từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2023 - 2024, trong giai đoạn từ năm học 2017 - 2018 đến nay, Hà Nội có 2 trường THPT công lập triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh quốc là Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ở cấp THCS có 7 trường triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE của Cambrige là: Khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Nghĩa Tân, Trường THCS Trưng Vương, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Trường THCS Thanh Xuân và Trường THCS Chu Văn An.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội thảo.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội thảo.

Năm học 2023 - 2024 này là năm cuối cùng của cấp THCS triển khai thí điểm và năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng tuyển sinh hệ song bằng ở cấp THPT theo lộ trình của đề án kéo dài thí điểm Chương trình đào tạo song bằng. Qua 7 năm triển khai, đề án đã đạt kết quả vượt trội.

Tại các trường THPT, tính đến hết tháng 5/2023 đã có 246 học sinh hoàn thành chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level, trong đó: Trường THPT Chu Văn An có 125 học sinh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 121 học sinh. Qua thống kê, điểm thi ở các bài thi, học sinh Hà Nội đạt tỉ lệ điểm A* và A cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới. Bên cạnh việc đạt chứng chỉ A-Level, học sinh tham gia học chương trình song bằng cũng đạt kết quả rất tốt ở chương trình Việt Nam. 100% học sinh đạt học lực Giỏi và hạnh kiểm Tốt, có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về Ngoại ngữ và Tin học. Đa số những học sinh đều đỗ và đạt học bổng vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Hiện đã có 13 trường đại học hàng đầu ở Việt Nam nhận tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT Việt Nam, có chứng chỉ A-level.

Tại các trường THCS, đánh giá kết quả học tập theo chương trình của Bộ GD&ĐT, học sinh hệ song bằng được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, trong đó Tiếng Anh cùng một số kỹ năng khác được đánh giá vượt trội. 100% học sinh xếp loại học lực Giỏi, Khá. Không có học sinh gặp khó khăn với chương trình của Việt Nam. Nhiều học sinh hệ song bằng là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố và quốc tế. Tham gia kỳ thi IGCSE ở tất cả các bộ môn của khóa đào tạo theo đề án, học sinh hệ song bằng đều có kết quả vượt trội, kết quả những khóa sau liên tục được cải thiện và cao hơn khóa trước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Học sinh tham gia đề án, ngoài việc đạt kết quả tốt ở cả 2 chương trình còn có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Cụ thể, tại các trường THCS có 62 giải quốc gia và 102 giải quốc tế trong các kỳ thi. Tính đến hết tháng 5/2023 đã có 891 học sinh tham gia Chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE của Cambrige. Trong đó có 231 học sinh tham gia thi ICGSE với thành tích nổi trội hơn so với điểm trung bình các môn thi trên thế giới, góp phần khẳng định chất lượng dạy và học đáng tự hào của Việt Nam.

Ý kiến của đại diện các nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh tại Hội thảo đều khẳng định những ưu điểm nổi trội của chương trình đào tạo song bằng với học sinh thời gian qua, đặc biệt là những kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các ý kiến đều bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Là trường công lập duy nhất của Hà Nội có hai cấp học (THPT và THCS) triển khai thí điểm chương trình song bằng và có 100% thầy cô trong Ban Giám hiệu, tổ bộ môn tham gia ban điều phối chương trình, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ, học sinh khối song bằng của trường luôn đạt kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi lớp 10 chuyên và lớp 10 song bằng. Các em cũng giành nhiều học bổng cao của những trường đại học top đầu thế giới; luôn thể hiện tính sáng tạo trong chương trình chính khóa, ngoại khóa...

Với Lê Quỳnh Chi (học sinh lớp 9C2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên), học chương trình song bằng không chỉ giúp em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tăng cường tương tác và thực hành giao tiếp mà còn được thể hiện bản thân một cách đầy tự tin và năng động; xây dựng hình ảnh thế hệ học sinh Thủ đô - những công dân toàn cầu sáng tạo, sẵn sàng chủ động giao lưu, hội nhập.

Ý kiến của đại diện các nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh tại Hội thảo đều khẳng định những ưu điểm nổi trội của chương trình đào tạo song bằng với học sinh thời gian qua.

Ý kiến của đại diện các nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh tại Hội thảo đều khẳng định những ưu điểm nổi trội của chương trình đào tạo song bằng với học sinh thời gian qua.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, sau giai đoạn 7 năm triển khai chương trình thí điểm song bằng tại các nhà trường tham gia đề án, ngành GD&ĐT Thủ đô đã thực hiện có kết quả chủ trương lớn của Thành phố, tạo ra được một mô hình giáo dục mới mang tính quốc tế, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển của thời đại, góp phần nâng tầm giáo dục Thủ đô ngày càng hòa nhập sâu rộng với môi trường giáo dục quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, cho thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Chẳng hạn như: Bước đầu đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, nhưng số lượng cán bộ quản lý giáo viên có thể đảm nhận vị trí điều phối, giáo viên chính thức đứng lớp giảng dạy chương trình Cambridge quốc tế còn quá mỏng, dẫn đến chưa thể chủ động về nguồn nhân lực. Đã có 5/8 trường được công nhận là trường thành viên của Cambridge nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống phòng chức năng vẫn chỉ đáp ứng được phần nào theo chuẩn của chương trình Cambridge, vẫn cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện nhằm đảm bảo hoạt động thí nghiệm, thực hành, trải nghiệm thực tế của học sinh hệ song bằng…

Để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng đề án cho giai đoạn mới, khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó cần tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt tham gia giảng dạy chương trình quốc tế tại các trường công lập, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo đúng các tiêu chí của chương trình Cambridge; tăng cường vai trò quản trị của nhà trường, nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình, từng bước đảm nhận vai trò chính trong điều phối, triển khai thực hiện chương trình quốc tế.

Cùng đó, các nhà trường cũng cần phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phấn đấu trở thành mô hình quản lý mẫu mực, là nơi học tập, chuyển giao kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiên tiến giữa giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục Việt Nam và giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục quốc tế; đề xuất cơ chế tài chính, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai theo đúng quy định của pháp luật…

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuong-trinh-dao-tao-song-bang-da-dat-duoc-cac-muc-tieu-de-ra-168580.html