Chuyện 2 hội viên cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Thời gian qua, phong trào Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã trở thành động lực quan trọng khơi dậy ý thức tự lực, tự cường vượt khó vươn lên. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi. Trong những gương điển hình tiêu biểu có ông Nguyễn Văn Chuyền và ông Ngô Văn Sáu ở xã Bình Ninh.QUYẾT TÂM THOÁT NGHÈO

Ông Nguyễn Văn Chuyền sinh năm 1964, quê ở tỉnh Long An, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1984, ông Chuyền nhập ngũ tại Sư đoàn 302 (Quân khu 7) và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, với nhiệm vụ trinh sát thực địa, đi trước, luồn sâu vào nắm địch.

Ông Ngô Văn Sáu chăm sóc vườn dừa của gia đình.

Năm 1987, ông Chuyền xuất ngũ trở về địa phương và sang xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) để mưu sinh. Với nghị lực và ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Chuyền đã không lùi bước trước cảnh nghèo khó. Từ hai bàn tay trắng, ông luôn trăn trở suy nghĩ để tìm hướng phát triển kinh tế.

3 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia ác liệt đã bồi đắp cho ông nghị lực phi thường và niềm tin sắt đá. Không ngại khó, ngại khổ, ông Chuyền luôn trăn trở tìm hướng đi, phát triển kinh tế với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Ông đã đi làm thuê nhiều công việc, ai mướn gì làm nấy.

Sau 2 năm, ông Chuyền đã lập gia đình và có con đầu lòng trên mảnh đất cù lao. Nhờ chịu khó và năng động, sáng tạo của bản thân, kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện. Năm 1992, ông Chuyền sang ấp Bình Hưng Thượng, xã Bình Ninh để sinh sống.

Đồng chí Dương Văn Nhàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Ninh cho biết, toàn xã hiện có 174 hội viên CCB. Từ năm 2019 đến nay, không còn hộ nghèo, cận nghèo là hội viên CCB.

Hội CCB xã luôn làm nòng cốt trong các phong trào do địa phương phát động, góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.

Điển hình là từ khi có chủ trương Dự án Đường tỉnh 864 qua địa bàn xã, Hội CCB xã vận động nhân dân hiến đất.

Trước tình hình hạn, mặn thiếu nước để tưới cho cây trồng, địa phương đã vận động người dân tự bỏ kinh phí để tổ chức các điểm bơm chuyền nước ngọt.

Trong đó, hội viên CCB đã hưởng ứng đi đầu, tổ chức 6 điểm bơm chuyền vào các kinh nội đồng để phục vụ sản xuất.

Ông Chuyền chia sẻ, những năm tháng trong quân ngũ đã rèn cho bản thân tính kiên trì, nhẫn nại, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ. Với 4 công đất, ông Chuyền bắt đầu trồng ớt. Sau gần 10 năm, nhờ cây ớt mà ông xây được nhà, mua được xe máy và cho con ăn học thành tài.

Sau đó, ông chuyển sang trồng mãng cầu gai được 5 năm và hiện nay là trồng dừa Xiêm Mã Lai. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm gia đình ông Chuyền thu lãi được hơn 200 triệu đồng.

LAN TỎA KHÁT VỌNG LÀM GIÀU CHÍNH ĐÁNG

Ông Ngô Văn Sáu, sinh năm 1960, ngụ ấp Bình Quới Hạ, xã Bình Ninh. Năm 1982, ông Sáu nhập ngũ, huấn luyện tại Sư đoàn 9 và nằm trong đội hình Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Với nhiệm vụ là chiến sĩ quân y, ông Sáu cùng đồng đội tận tâm cứu chữa thương, bệnh binh.

Sự hy sinh của đồng đội càng nung nấu ý chí, tiếp thêm sức mạnh để ông và đồng đội trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách.

Ông Nguyễn Văn Chuyền (bìa trái) không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ.

Năm 1986, ông Sáu xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế, với ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cứ thôi thúc ông. Từ 4 công đất của gia đình, ông Sáu bắt đầu trồng ớt. Thời gian rảnh rỗi, ông Sáu cùng vợ con đi móc dừa thuê.

Ông Sáu chia sẻ, ban đầu ông móc dừa cho bạn bè; dần dần kỹ năng móc nguyên quài dừa của ông lan truyền nên được nhiều người trong xã và các xã lân cận thuê ông. Chồng móc dừa, vợ gánh dừa, con thì nhặt dừa, có ngày thu nhập hơn 1 triệu đồng từ công việc này. Từ nghề móc dừa, trồng ớt, ông Sáu đã mua thêm đất và chuyển sang trồng dừa.

Nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hiện nay, với 8 công đất trồng dừa, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi mỗi năm hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, ông Sáu còn phụ giúp con trai chăm sóc hơn 1,3 ha đất trồng ớt và nuôi đàn bò.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, ông Sáu đã đi đầu trong việc hiến hơn 400 m2 đất để mở rộng đường Kinh Kháng Chiến. Ngoài ra, ông còn tuyên truyền, vận động người dân trên tuyến đường cùng nhau hiến đất, làm cho việc đi lại được thuận lợi hơn.

Chủ tịch Hội CCB xã Bình Ninh Huỳnh Văn Dũng cho biết, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong chiến đấu, trở về với cuộc sống đời thường, 2 hội viên Nguyễn Văn Chuyền và Ngô Văn Sáu không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, mà còn nhiệt tình, tâm huyết trong các phong trào do Hội và địa phương phát động; tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202404/chao-mung-ky-niem-49-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2024-chuyen-2-hoi-vien-cuu-chien-binh-lam-kinh-te-gioi-1009221/