Chuyện chưa kể về gốc đa có hơn 130 tổ ong mật ở Điện Biên

Một cây đa cổ thụ tại tỉnh Điện Biên có hơn 130 tổ ong rừng được khai thác mật đem lại nguồn lợi lớn cho cả bản.

XEM CLIP:

Cây đa có hơn 130 tổ ong nằm trên ngọn núi cao ở bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, Điện Biên. Cây đa này được người dân bản địa bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Vừ A Lồng - Bí thư Chi bộ bản Huổi Lướng, chia sẻ: Cây đa cổ thụ được ví có một không hai bởi những đàn ong rừng kéo nhau về làm tổ. Chính vì có hơn 100 tổ ong trên các cành nên dân bản hay gọi là "cây may mắn".

Ông Lồng cho biết, cây đa là tài sản của cả bản. Bà con cũng thống nhất không ai được tự ý lấy mật ong. Người nào muốn khai thác mật phải mua trọn cả cây. Số tiền thu được sẽ chia đều cho người dân trong bản, phần còn dư cả bản sẽ cùng nhau tổ chức liên hoan.

"Ngày xưa lúc tôi còn bé cây đa này chỉ có khoảng 7 tổ, nhưng hơn 10 năm trở lại đây ong về làm tổ ngày càng nhiều, đến hiện tại đã hơn 130 tổ. Mỗi năm người dân trong bản sẽ tổ chức khai thác một lần", ông Lồng chia sẻ.

Hàng trăm tổ ong treo lơ lửng trên khắp các cành cây. Ảnh: Trọng Tùng

Trước khi khai thác mật ong, người dân trong bản sẽ chuẩn bị 1 con gà, nhiều bánh và trái cây đem đến gốc cây thắp hương sau đó mới leo lên cây lấy mật ong.

Theo ông Lồng, tháng 5 hàng năm là đợt khai thác mật ong. Riêng năm 2023, người dân đã khai thác được hơn 1 tấn mật cùng sáp ong, thu về hơn 120 triệu đồng.

Ước tính, tổng giá trị của những tổ ong trong năm nay khoảng 300 triệu đồng vì tổ ong nhiều gấp đôi năm ngoái.

Mật của ong khoái rất có giá trị. Ảnh: Trọng Tùng

Ông Lồng chỉ về hướng hơn 130 tổ ong của bản mình. Ảnh: Trọng Tùng

Ngoài lợi ích về kinh tế, bà con người Mông trong bản xem cây đa là biểu tượng của sự may mắn, linh thiêng. Mỗi dịp quan trọng, dân bản đều đến gốc đa thắp hương, cầu mong sự may mắn, bình an, sức khỏe.

Anh Trịnh Hoài Nam (người từng mua toàn bộ mật ong trên cây đa) chia sẻ: Cây đa cổ thụ có chiều cao hơn 50m, đường kính 5-6 người ôm.

Khi khai thác mật ong, anh Nam phải cắt cử nhóm thợ có kinh nghiệm, đeo mặt nạ, găng tay kín mít để leo lên cây khai thác mật. Để lấy được mật từ tổ ong, nhóm thợ phải đeo dây bảo hộ, leo ra từng cành đa, hun khói để xua đuổi bầy ong.

Mỗi cành đa dài hàng chục mét và ở độ cao trên dưới 50m, những người thợ phải leo ra leo vào nhiều lần. Sau đó, họ dùng dao, liềm xẻ các tổ ong rồi cho vào bao, thùng để đựng mật ong.

Mỗi lần mật đầy bao, thợ lại dùng dây thả xuống mặt đất cho người ở dưới thu gom. Cũng có khi, đội thợ khiêng tổ ong về một địa điểm để lấy mật.

Ở phía dưới, nhóm người chờ gom mật cũng phải mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng. Khi muốn nghỉ ngơi, thợ cần chui vào trong một chiếc màn đã giăng sẵn để tránh bị ong đốt.

Anh Nam kể rằng, những người thợ lấy mật dù được trang bị quần áo bảo hộ kín người, đồng thời đã dùng khói để xua đuổi ong khi lấy mật, song nhiều lúc họ vẫn ngộp thở vì số lượng hàng vạn con ong bu kín xung quanh.

Theo người dân bản Huổi Lướng, loài ong làm tổ ở cây đa cổ thụ là ong khoái. Ong khoái to hơn các loại ong nuôi và đốt rất đau. Đây là loài chưa ai nuôi hay thuần chủng được nên cho ra những giọt mật thuần tự nhiên, thơm ngon thượng hạng. Giá của mật ong khoái cao hơn các loại mật ong thông thường khác.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-chua-ke-ve-goc-da-co-hon-130-to-ong-mat-o-dien-bien-2279216.html