Chuyên đề: Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân: Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với đặc thù là một tỉnh đông dân, có nhiều lao động nhập cư và nhiều thành phần tôn giáo, dân tộc. Do đó, bên cạnh những thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai có nhiều khó khăn, thách thức trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Các luật sư, luật gia của tỉnh tham gia tư vấn miễn phí cho người dân xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: ĐĂNG TÙNG

Các luật sư, luật gia của tỉnh tham gia tư vấn miễn phí cho người dân xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: ĐĂNG TÙNG

Để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý là việc triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận khu dân cư, khu công nghiệp, nhà trọ được thực hiện thường xuyên, liên tục…

* Tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân

Vào buổi tối của một ngày cuối tuần giữa tháng 10-2023, trong khi nhiều người dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình thì luật sư Vũ Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cùng với một số nhân viên, công nhân nòng cốt lại lên đường đi tư vấn pháp luật lưu động miễn phí cho công nhân lao động nhập cư ở một khu nhà trọ tại KP.6, P.Long Bình (TP.Biên Hòa).

Nội dung buổi tuyên truyền lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH). Vì thời gian dành cho buổi tuyên truyền có 1,5 giờ nên luật sư Hà cố gắng lựa chọn những nội dung trọng tâm, cốt lõi gắn liền với nhu cầu thiết thực của người lao động để tuyên truyền, tư vấn.

Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân của một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, nhờ có các luật sư tư vấn, phân tích cặn kẽ về các quy định của pháp luật cũng như dẫn chứng cụ thể đã giúp chị hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lợi ích của chế độ BHXH và lương hưu. Từ đó, chị đã yên tâm hơn và tiếp tục làm việc tại công ty để đảm bảo các chế độ chính sách sau này.

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, năm 2009, trung tâm xin được các dự án quốc tế và đã xây dựng mô hình Tư vấn pháp luật lưu động. Vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đội ngũ luật sư, cán bộ, nhân viên của trung tâm đã đi tới các khu nhà trọ trong tỉnh để tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động. Sau đó, trung tâm tiếp tục phát triển mô hình bằng cách đào tạo đội ngũ công nhân nòng cốt (tuyển chọn những công nhân có năng lực trong các doanh nghiệp rồi đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, xử lý các tình huống pháp lý…) để hỗ trợ trung tâm đi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động tại các khu nhà trọ và trong doanh nghiệp. Khi mô hình được thành lập và đưa vào hoạt động thì số lượng công nhân nòng cốt tham gia ngày càng đông, có thời điểm tăng lên 667 người.

“Đến thời điểm này, các dự án của trung tâm đã chấm dứt, tuy nhiên việc tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động tại các khu nhà trọ vẫn được trung tâm duy trì triển khai thực hiện đều đặn trên cơ sở nguồn kinh phí của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh LƯU THỊ HÀ: Phát huy vai trò của MTTQ trong tuyên truyền, PBGDPL

Công tác tuyên truyền, PBGDPL có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là phương thức để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, thời gian tới cần tăng cường quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương; Luật PBGDPL và các văn bản khác có liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác PBGDPL, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật. Đối với các hoạt động tuyên truyền cần chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức PBGDPL cho phù hợp với từng đối tượng.

Trần Danh (ghi)

* Đưa pháp luật đến vùng sâu, vùng xa

“Đưa pháp luật về cơ sở, hướng về cộng đồng” là chương trình được Hội Luật gia tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức hàng năm. Một trong những điểm mới của công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật trong năm 2023 của Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh là mở rộng tuyên truyền cho đối tượng học sinh. Qua đó nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.

Dự buổi tuyên truyền pháp luật của Đoàn Luật sư tỉnh tại Trường THPT Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) vừa qua, em Lê Văn Quốc (học lớp 11/2) cho biết, các chuyên gia pháp lý không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật mà còn hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội trong học sinh. Em thấy nội dung tuyên truyền như vậy rất bổ ích và thiết thực.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức 14 buổi tuyên truyền với hơn 3 ngàn lượt người dân, học sinh và cán bộ ấp, xã, thị trấn tại 9 huyện và TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tham dự. Đồng thời, tại các buổi tuyên truyền, Đoàn Luật sư tỉnh cũng trao tặng trên 700 phần quà (trị giá trên 140 triệu đồng) cho người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tư vấn miễn phí cho hàng trăm trường hợp có yêu cầu.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật miễn phí tại các địa phương trong tỉnh gồm: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh với hàng chục ngàn người tham dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là pháp luật về bình đẳng giới; dân chủ ở cơ sở; an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường… theo yêu cầu của từng địa phương, trường học.

Từ năm 2003 đến tháng 10-2023, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đã tư vấn lưu động cho hơn 53 ngàn lượt đoàn viên, người lao động; hỗ trợ pháp lý cho hơn 16 ngàn người.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn hiện có trên 50 dân tộc cùng sinh sống với gần 200 ngàn người (chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh). Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật. Để có được kết quả này là nhờ Ban Dân tộc tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền PBGDPL đến đồng bào.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, trong công tác tuyên truyền PBGDPL, đơn vị luôn biết dựa vào vai trò của các già làng, người có uy tín tại các khu định canh - định cư, ấp, khu phố để vận động, mời gọi đồng bào các dân tộc thiểu số tham dự. Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh triển khai được 36 đợt tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật về tận nơi đồng bào sinh sống với khoảng 7 ngàn người tham dự. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai các chương trình phổ biến pháp luật riêng cho đối tượng là phụ nữ, người có uy tín, học sinh dân tộc thiểu số…

Ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) cho hay, nhờ được tiếp cận thường xuyên các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh từ các buổi tuyên truyền, PBGDPL do Ban Dân tộc tỉnh hoặc địa phương, ban ngành, đơn vị của tỉnh, huyện tổ chức nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào Chơro ở khu phố không ngừng được nâng cao; hạn chế các vi phạm pháp luật và không bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ; có ý thức tham gia các phong trào ở địa phương, trong đó có phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thành Nhân - Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/chuyen-de-nang-cao-y-thuc-tuan-thu-phap-luat-cho-nguoi-dan-dua-phap-luat-den-gan-hon-voi-nguoi-dan-06d5374/