Chuyện đi tìm người mẹ Raglai

Chúng tôi xúc động khi được nghe ông Nguyễn Vĩnh Khánh (74 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh), kể về cuộc đời thật đặc biệt của mình, khi may mắn được một người mẹ Raglai nuôi dưỡng và hành trình tìm về nguồn cội.

Đứa trẻ mồ côi được người mẹ Raglai nuôi dưỡng

Từ khi sinh ra, tôi chưa hề biết mặt cha, đến khoảng 3 tuổi lại mồ côi mẹ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in lúc mẹ tôi bị bắt. Bọn họ giằng tôi ra khỏi vòng tay mẹ. Mẹ gào khóc thảm thiết cho đến khi bị kéo đi xa khuất. Đêm ấy, khi mệt thiếp đi, tôi bỗng giật mình chồm dậy vì có tiếng súng nổ…

Ông Khánh (bên phải) chia sẻ câu chuyện của mình với những người bạn.

Ông Khánh (bên phải) chia sẻ câu chuyện của mình với những người bạn.

Sau này, tôi ở trong một gia đình xa lạ, phải làm đủ mọi việc vất vả, chịu đòn roi. Bỗng một hôm, trong nhà ấy rất đông người đến mổ heo, gà và đặt nhiều ché rượu, lập bàn thờ… Đến trưa, có thêm 8 người tới, trong đó có một người mặc đồ rất lạ. Tối đó, họ cúng bái linh đình, thì ra người mặc đồ lạ là thầy cúng, ông đọc lời gì đó bên cạnh một bà cụ bệnh liệt giường. Trong khói hương nghi ngút, thầy cúng nói: "Người ốm nặng trong nhà là do hồn của mẹ thằng nhỏ nuôi trong nhà nhập vào, phải thả nó ra ngay. Giàng bảo thế". Rồi 8 người ấy dẫn tôi đi.

Vợ chồng ông Khánh và 2 con nhỏ ngày đầu vào Nha Trang năm 1980.

Vợ chồng ông Khánh và 2 con nhỏ ngày đầu vào Nha Trang năm 1980.

Khi tôi còn run rẩy không hiểu chuyện gì xảy ra thì một người trong số họ nói nhỏ vào tai tôi: "Chú tên Thể. Các chú là đồng chí của ba mẹ cháu, cùng hoạt động cách mạng. Ba mẹ cháu đều hy sinh cả rồi, các chú tới đây để giải thoát cháu khỏi cái nhà này". Trên đường đi xuyên đêm, các chú còn kể mẹ sinh tôi ở dưới gốc cây me, các chú đã đưa hai mẹ con về căn cứ và đặt tên tôi là Lượm. Tôi mừng quá vì lần đầu tiên biết tên mình. Đi theo các chú tới một ngôi nhà có hai ông bà già và 5 người khác đang ngồi quanh bếp lửa thì chú nói với ông bà già: "Đây là cháu Lượm, đứa trẻ mà đồng chí Ama Khất (Bùi Thanh Vân) giao nhiệm vụ cho chúng ta giải cứu và đưa cháu về đây nuôi dưỡng”. Mẹ nuôi đặt tên tôi là La Khới. Từ đó, tôi được người mẹ Raglai chăm bẵm, yêu thương như con đẻ. Sau này, tôi mới biết, chú Thể là con rể của mẹ nuôi tôi. Bà là away La Bấn.

Cuối năm 1958, chú Thể bảo tôi chuẩn bị hành trang để vượt đường Trường Sơn ra Bắc. Tôi bịn rịn chia tay cả nhà bên đám rẫy thoảng hương bắp của núi rừng Khánh Vĩnh. Và tôi ra Bắc với cái tên mới do các chú đặt là Vĩnh Khánh. Những tháng năm ở miền Bắc, tôi được học tại Trường Dân tộc nội trú Trung ương, rồi Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Gặp lại mẹ nuôi

Hè năm 1978, từ Cao Bằng, tôi về Hà Nội nhảy tàu vào Nha Trang, đi Diên Khánh để hỏi tìm về người mẹ Raglai của mình. Hỏi nhiều nơi nhưng không ai biết manh mối gì. Trong lúc thất vọng thì tôi gặp được một chị người Raglai là Pinăng Hoa, công tác tại Huyện ủy Diên Khánh. Chị cho biết người mẹ Raglai của tôi, bà La Bấn ở cùng xã với chị. Chị xin nghỉ phép đưa tôi nhảy xe đò lên xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh). Hôm sau, chị dẫn tôi len lỏi qua lối nhỏ nhiều cây dây leo chằng chịt, tới một ngôi nhà. Tôi cảm thấy nôn nao trong dạ thì chị gọi lớn: "Chủ nhà đâu rồi. Pinăng Hoa đây!".

Tôi đứng dưới cầu thang gỗ nhìn lên thấy một cụ bà da nhăn nheo, lưng đổ còng, mắt chăm chăm nhìn xuống. Linh tính mách bảo con tim tôi bật ra lời: "Đúng người mẹ Raglai của tôi rồi!". Tôi lao lên ôm chầm lấy mẹ nói to: "Mẹ ơi, con đây, La Khới đây". Mẹ lại ngẩn một chặp, hết xoa đầu, rồi vuốt má tôi. Có lẽ chỉ cái tên La Khới không thể để mẹ nhớ ra mình sao? Chắc gương mặt, thân hình qua gần 20 năm xa cách khác xưa nhiều quá rồi? Tự nhiên, nước mắt mẹ tuôn chảy theo nếp nhăn trên má, đôi môi người mẹ Raglai bậm lại, rồi bật tiếng: "Thằng Lượm, thằng La Khới đấy à…". Thế là mẹ con ôm nhau khóc. Tôi ngập tràn trong niềm vui sum họp. Chỉ tiếc là hồi đó việc chụp hình và lưu giữ hình ảnh khó khăn lắm nên tôi không có bức ảnh bà mẹ Raglai của mình.

Tìm về nguồn cội

Sau khi tìm được mẹ Raglai, những người thân cho tôi biết mẹ đẻ tôi là bà Mười Dư, cán bộ phụ nữ, ở Phú Nhơn (huyện Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa), bị một kẻ phản bội bắt và sát hại rất dã man. Tôi đi Ninh Hòa nhiều lần, cuối cùng gặp được chú Nguyễn Trực (lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy). Tôi gợi hỏi chú về bà Mười Dư, thì chú bật người dậy nói trong uất ức: "Hai mẹ con chị Mười Dư bị một kẻ phản bội hồi ấy giết chết cả rồi". Chú Trực kể bà Mười Dư là ân nhân của chú, nói tiếng Ê đê và Raglai rất thạo. Nghe tới đây, nước mắt tôi cứ tuôn ra, rồi ôm chầm chú Trực: "Thưa chú, cháu là con của mẹ Mười Dư đây, cháu là Lượm đây". Thế là chúng tôi đều khóc!

Năm 1982, khi đi công tác ở Khánh Vĩnh, có một bà cụ đến tìm gặp tôi và kể chuyện về cha mẹ tôi là bà Mười Dư và ông Hai Đơn: “Tội ông Hai Đơn chưa biết mặt con đã hy sinh ở dốc Chè phía Ninh Hòa. Hồi đó, bà Mười Dư sinh con, phải gánh con một bên, còn bên kia là nhu yếu phẩm tiếp tế cho cách mạng. Bà bị kẻ phản bội bắt giết nhưng vợ hắn van xin đừng giết thằng Lượm để nuôi. Khoảng 3 năm sau mới giải cứu được". Sau đó, tôi đã tìm được về với nguồn cội…

Trong cuốn tài liệu Những năm tháng nhớ mãi, do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Phú Khánh xuất bản năm 1984, tại trang 230 đã khẳng định cha mẹ của ông Nguyễn Vĩnh Khánh đã hy sinh và ông được người mẹ Raglai ở Khánh Vĩnh nuôi dưỡng cho tới khi được cách mạng đưa ra miền Bắc ăn học.

CÔNG THI (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/chuyendi-tim-nguoi-me-raglai-8231b7b/