Chuyển đổi ngành nghề gắn đảm bảo sinh kế

Huyện Ngọc Hiển đang nỗ lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi ngành nghề cho các phương tiện khai thác thủy sản gần bờ, sử dụng ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt theo hướng vươn khơi và thu sản phẩm có giá trị kinh tế.

Cư dân ven biển gian nan chuyển đổi nghề
"Bệ đỡ" cho xuất khẩu lao động
Chuyển đổi nghề có khó?
Chuyển đổi nghề để giảm nghèo bền vững

Gia đình ông Ngô Văn Năm, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc có 2 phương tiện khai thác thủy sản với gần 100 miệng đáy. Trước đây, mỗi con nước, gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng, nhưng nhiều năm trở lại đây, thủy sản dần cạn kiệt, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao nên mỗi chuyến biển về chỉ đủ vốn. Dù rất muốn chuyển đổi ngành nghề để có thu nhập ổn định hơn, nhưng hiện tại gia đình ông Năm không có khả năng để chuyển sang nghề khác bởi không có vốn, đành bám trụ tiếp với nghề đáy.

Ông Năm chia sẻ: “Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản giảm đi rất nhiều, lợi nhuận đánh bắt không được như trước. Gia đình tôi muốn tìm một nghề nào khác để chuyển đổi, tuy nhiên, do đã đầu tư số tiền rất lớn để đóng phương tiện, mua sắm ngư cụ nên giờ không còn vốn chuyển sang nghề khác”.

Ông Ngô Văn Năm (giữa), Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, đã gắn bó với nghề đáy hàng khơi hơn 50 năm, hiện ông rất đắn đo trong quá trình chuyển đổi sang nghề khác vì thiếu vốn.

Ông Ngô Văn Năm (giữa), Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, đã gắn bó với nghề đáy hàng khơi hơn 50 năm, hiện ông rất đắn đo trong quá trình chuyển đổi sang nghề khác vì thiếu vốn.

Theo ông Năm, chuyển đổi ngành nghề là việc làm khó, bởi người dân ở đây đã sinh sống và gắn bó với nghề biển gần bờ rất lâu, việc chuyển đổi cần có thời gian và phải có vốn. Mà nếu chuyển đổi nghề không hiệu quả thì tiếp tục mắc nợ.

“Phương tiện nghề đáy chuyển sang câu mực, hay lưới cá chim thì mình phải cải tạo lại, phải vay vốn ngân hàng, mỗi phương tiện chuyển đổi không dưới 500 triệu đồng”, ông Năm ước tính.

Anh Hồng Văn Toàn, Khóm 6, thị trấn Rạch Gốc, đầu tư trên 500 triệu đồng sắm phương tiện, lưới cụ để hành nghề cào ở cửa biển Rạch Gốc. Tuy nhiên, hiện nay nghề cào không còn hiệu quả so với trước, ngư trường ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên anh chỉ hoạt động cầm chừng.

Anh Toàn chia sẻ: “Tôi đã làm nghề cào hơn 30 năm nay, giờ muốn chuyển đổi sang nghề khác cũng không biết làm nghề gì, bởi nguồn vốn không có, kinh nghiệm cũng không. Thêm vào đó, ngư trường đánh bắt đã hẹp hơn bởi nhiều phương tiện cùng đánh bắt, nên giờ chỉ biết duy trì nghề cào để kiếm thu nhập qua ngày”.

Anh Hồng Văn Toàn (bên phải) có 1 phương tiện hoạt đồng nghề cào hơn 30 năm nay. Hiện tại, anh chưa biết chuyển đổi nghề ra sao, nhưng nếu Nhà nước cấm thì tới đây anh sẽ bán phương tiện và nghỉ làm nghề cào.

Anh Hồng Văn Toàn (bên phải) có 1 phương tiện hoạt đồng nghề cào hơn 30 năm nay. Hiện tại, anh chưa biết chuyển đổi nghề ra sao, nhưng nếu Nhà nước cấm thì tới đây anh sẽ bán phương tiện và nghỉ làm nghề cào.

“Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của địa phương cho chuyển đổi ngành nghề, bởi giờ nhiều phương tiện sử dụng công cụ xiệt điện để đánh bắt tôm cá, làm nguồn lợi này cạn kiệt. Tuy nhiên, để người dân chuyển sang nghề khác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề để chúng tôi có điều kiện chuyển đổi nghề theo hướng bền vững”, anh Toàn mong muốn.

Theo rà soát, trên địa bàn huyện hiện có 420 phương tiện hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, chủ yếu các nghề: lưới rê, đáy cạn, đáy khơi, cào, te, câu mực, lưới ghẹ, lưới cá chim... Năm nay, huyện vận động 26 phương tiện chuyển đổi ngành nghề. Hiện các xã, thị trấn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chấp hành quy định của Nhà nước, địa phương về chuyển đổi ngành nghề và thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ ngư dân có đủ điều kiện chuyển sang nghề khác không sát hại nguồn lợi thủy sản.

Ông Lâm Sĩ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Trên địa bàn thị trấn có 16 phương tiện thuộc diện chuyển đổi ngành nghề. Chúng tôi cho các chủ phương tiện ký cam kết thay thế các công cụ đánh bắt để không sát hại nguồn lợi thủy sản. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân chấp hành những quy định của Nhà nước trong việc sử dụng các công cụ khai thác và triển khai các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, các lớp đào tạo nghề biển, mô hình sản xuất để ngư dân có thể vươn khơi bám biển hoặc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình”.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, tới đây huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận chuyển đổi ngành nghề; đồng thời rà soát, nắm bắt lại nhu cầu chuyển đổi ngành nghề để cùng ngành chuyên môn tỉnh tìm giải pháp tốt nhất nhằm đảm bảo sinh kế cho bà con. Ðối với các phương tiện hoạt động không đăng ký, đăng kiểm, phương tiện hoạt động sát hại nguồn lợi thủy sản, dùng xung điện thì tuyệt đối không cho hoạt động và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Hồng My - Chí Hiểu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-doi-nganh-nghe-gan-dam-bao-sinh-ke-a31820.html