Chuyện gì đang xảy ra ở Haiti?

Bạo lực và bất ổn chính trị đã khiến Haiti chìm sâu hơn nữa vào khủng hoảng. Những diễn biến gây rúng động liên tục diễn ra, tạo nên bức tranh tương lai vô định cho đảo quốc nghèo đói này.

Một người đàn ông che mặt kêu gọi người dân ngừng biểu tình chống chính phủ và chấm dứt tình trạng mất an ninh ở Thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Ảnh: Reuters

Một người đàn ông che mặt kêu gọi người dân ngừng biểu tình chống chính phủ và chấm dứt tình trạng mất an ninh ở Thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Ảnh: Reuters

Chính quyền “lép vế”

Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp trong tháng này, sau khi các băng nhóm vũ trang dẫn đầu một cuộc vượt ngục hàng loạt và yêu cầu ông Ariel Henry từ chức Thủ tướng, khi ông đang công du nước ngoài. Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý trong làn sóng khủng hoảng hiện hữu, ngày 3/3, các băng đảng sau đó đã đốt trụ sở cảnh sát gần sân bay, khiến các chuyến bay bị đình chỉ; cảng vận chuyển chính ở Thủ đô Port-au-Prince cũng bị tấn công, rơi vào cảnh ngừng hoạt động vô thời hạn; thực phẩm, nước uống và vật tư y tế ở thủ đô đang khan hiếm; nạn cướp bóc đã lan rộng đến các siêu thị và cơ sở kinh doanh nhỏ...

Bạo lực đã khiến nhiều người dân mắc kẹt trong nhà và một số bệnh viện công phải đóng cửa; người dân bị bắn chết trên đường phố không có người đưa thi thể đi; các băng đảng lập rào chắn đã khiến việc tiếp cận thủ đô bằng đường bộ gần như không thể và biên giới của Haiti với Dominica cũng đã bị đóng cửa.

Liên hợp quốc (LHQ) ước tính, các băng nhóm vũ trang đã nắm quyền kiểm soát hơn 80% thủ đô trong tuần qua; hàng chục nghìn người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực; những người di dời cũng bị mắc kẹt tại thủ đô, nơi bị bao vây bởi các nhóm vũ trang...

Haiti là nước cộng hòa độc lập lâu đời nhất vùng Caribe, ra đời sau cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ nô lệ vào đầu thế kỷ 19. Sự can thiệp của nước ngoài, các cuộc đảo chính bất ổn xã hội và trận động đất tàn khốc năm 2010 làm 220.000 người chết... đã khiến nước này trở thành quốc gia nghèo nhất ở phía Tây bán cầu với các thể chế nhà nước mong manh. Hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản bị hạn chế.

Những năm gần đây, thiên tai, bệnh dịch, bất ổn chính trị, quản lý yếu kém và sự mất giá của đồng nội tệ càng gây căng thẳng cho nền kinh tế. Haiti không có quan chức dân cử nào nắm quyền và không tổ chức bầu cử trong gần một thập kỷ. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn từ năm 2021, khi lính đánh thuê nước ngoài ám sát Tổng thống lúc bấy giờ là Jovenel Moise. Sau vụ ám sát này, ông Ariel Henry (74 tuổi), một cựu bác sĩ giải phẫu thần kinh được bổ nhiệm chức Thủ tướng và nắm quyền điều hành đất nước. Thủ tướng Ariel Henry hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử, nhưng khi ông không thực hiện được lời hứa đó vào năm ngoái với lý do nguy hiểm do bạo lực băng đảng đã khiến dân chúng phẫn nộ hơn và kêu gọi ông từ chức.

Cần tiến trình chính trị thực sự do người Haiti dẫn đầu

Làn sóng phản đối trở nên sôi sục đỉnh điểm khi ông Ariel Henry tới Kenya vào đầu tháng này để cứu vãn kế hoạch triển khai 1.000 cảnh sát Kenya tới Haiti giúp dẹp loạn băng đảng. Thủ lĩnh băng đảng quyền lực nhất Haiti là Jimmy Cherizie đã kêu gọi các băng nhóm tội phạm đoàn kết để lật đổ ông Ariel Henry và đe dọa nội chiến nếu vị thủ tướng này không từ chức. Trong lúc ông Ariel Henry công du Kenya, các băng nhóm đã rào chắn đường phố thủ đô, đốt phá các đồn cảnh sát, giải thoát hàng nghìn tội phạm khỏi 2 nhà tù lớn nhất và thề sẽ bắt giữ cảnh sát trưởng quốc gia, các bộ trưởng trong chính phủ. Haiti không có quân đội thường trực, trong khi lực lượng cảnh sát thiếu ngân sách và không được trang bị đầy đủ để có thể chống lại các băng đảng vũ trang đang chiếm quyền kiểm soát phần lớn thủ đô.

Ngày 11/3, trước sức ép của các băng đảng tội phạm, ông Ariel Henry cho biết, sẽ từ chức ngay khi Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp có thể nắm quyền. Hiện, ông Ariel Henry vẫn ở Puerto Rico - vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.

Sau tuyên bố từ chức của ông Ariel Henry, cộng đồng quốc tế đồng loạt hối thúc các bên tại Haiti đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều động thái từ LHQ, Cộng đồng Caribe (Caricom), Mỹ và các cường quốc phương Tây được đánh giá là tích cực giúp Haiti giải quyết khủng hoảng. Nổi bật trong đó, Caricom đưa ra đề xuất, Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp tại Haiti sẽ bao gồm 7 thành viên có quyền bỏ phiếu, gồm đại diện từ 3 đảng chính trị truyền thống, khu vực doanh nghiệp, nhóm xã hội dân sự và một nhà lãnh đạo tôn giáo, cùng với 2 quan sát viên. Hội đồng sẽ bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời; các thành viên của hội đồng sẽ không được phép tranh cử trong các cuộc bầu cử tiếp theo.

Tuy nhiên, kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời dường như đã tan thành mây khói, khi nhiều đảng chính trị bác bỏ kế hoạch thành lập một hội đồng để quản lý quá trình chuyển đổi. Nhiều đảng và chính trị gia từ chối tham gia, trong khi đông đảo người dân cũng không tán đồng với cách làm này.

Phần lớn giới chuyên gia cùng cho rằng, điều quan trọng là phải hiểu thực sự điều gì đã đẩy Haiti đến tình trạng hiện tại để có thể vạch ra con đường phía trước. Vị Thủ tướng không qua dân cử Ariel Henry đáng lẽ ngay từ đầu không nên có được sự ủng hộ của Mỹ, LHQ và các cường quốc phương Tây khác. Các giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong quá khứ ở Haiti đã nhấn mạnh quá mức vào khả năng của các quốc gia nước ngoài trong việc giải quyết vấn đề nội bộ Haiti. Các tác nhân bên ngoài đã làm suy yếu xã hội dân sự và không trừng trị được những phần tử xấu khiến công việc xây dựng một xã hội đầy đủ chức năng ở Haiti trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nhiều học giả cũng nhận định rằng, Caricom khó có thể tự mình đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Chính sự hỗ trợ của nước ngoài dành cho Thủ tướng Ariel Henry đã đẩy tình hình đến tình trạng thảm khốc, nhưng thay vì để một tiến trình thực sự do Haiti dẫn đầu diễn ra, chính những cường quốc đã chọn một hiệp ước ổn định mà dường như chỉ có khả năng khóa chặt một hiện trạng không bền vững, ít nhất là trong ngắn hạn.

Giáo sư Marlene Daut (Đại học Yale, Mỹ) bình luận: "Người dân Haiti phải được tham gia vào mọi bước của tiến trình chính trị. Các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước cần phải là người Haiti, do chính người dân Haiti tin tưởng bầu cử. Một người lãnh đạo nhậm chức phải dựa vào ý chí của người dân, thay vì dựa vào sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đất nước".

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-haiti-post473748.html