Chuyên gia, cán bộ Công đoàn phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Chiều 17/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn.

Tại Hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, cán bộ Công đoàn đã tập trung đóng góp các ý kiến liên quan đến các nội dung như: Quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; các hành vi bị nghiêm cấm; trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và các biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội; cơ chế để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tác động của việc thực hiện chính sách tiền lương mới đến quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị.

Đề cập đến tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban quản lý thu - sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, qua nhiều năm mới ghi nhận 1 trường hợp bị khởi tố.

Theo ông Hùng, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị khởi tố, nhưng gần như các trường hợp không được xử lý hình sự. Nguyên nhân hầu hết là vướng mắc ở quy trình, thủ tục, chưa đạt được điều kiện để khởi tố, chưa cấu thành tội phạm để xử lý hình sự.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội hiện đã được quy định rõ trong Điều 216 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, số các trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội bị xử lý hình sự còn rất khiêm tốn.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để đồng bộ, thống nhất giữa quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với điều khoản xử lý hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự” - ông Cường cho biết.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn; đồng thời mong sẽ tiếp tục đồng hành trong xây dựng chính sách về an sinh xã hội, giúp cho người lao động có quyền lợi tốt nhất, đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình họ.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-gia-can-bo-cong-doan-phan-bien-xa-hoi-doi-voi-du-thao-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-170850.html