Chuyên gia chỉ 'chìa khóa' để học một ngành làm được nhiều nghề

Mặc dù tới tháng 4 thí sinh mới đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, thời điểm này nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn không ít lo lắng trong việc định hướng chọn ngành, chọn trường.

Phụ huynh và học sinh còn nhiều băn khoăn

Là một phụ huynh có con năm nay vào đại học, chị Nguyễn Thị Nhuần (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: "Vài tháng nữa là các con sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học nhưng đến giờ, con tôi vẫn chưa chốt được ngành học".

Chị Nhuần cho biết, gia đình khá lo lắng về việc chọn ngành cho con. "Nếu con chọn một ngành rộng quá thì sợ sau này khi ra trường con sẽ không biết làm gì. Ngược lại, nếu chọn ngành hẹp thì lại lo con khó có thể ứng phó với diễn biến về nhân sự, bối cảnh xã hội nếu thay đổi. Hơn nữa, hiện nay số sinh viên ra trường làm trái nghề không ít nên gia đình "đau đầu" về việc định hướng như thế nào để con chọn đúng ngành, đúng nghề, tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc".

Với Tùng Lâm (ở Phú Thọ) thì băn khoăn không biết nên chọn ngành "VIP" hay ngành mà bản thân yêu thích và có thể làm nhiều nghề được không khi chỉ học một ngành duy nhất.

Lâm mơ ước trở thành một cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong tương lai. Nếu em không nằm trong chỉ tiêu đỗ đại học chính quy của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, em sẽ học đại học hệ dân sự. Tuy nhiên, em và một số bạn trong lớp vẫn có một băn khoăn về ngành học. Đó là, nếu học một ngành thì sau này khi ra trường có thể làm nhiều nghề được không".

Học một ngành nhưng có thể làm nhiều nghề được không?

Chia sẻ với phụ huynh và các em học sinh lớp 12 về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các em thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, trong đào tạo đại học hiện nay đã hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho người học một nền tảng rộng và phương pháp làm việc, phương pháp tự học để học tập suốt đời. "Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chúng ta học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Tôi có thể khẳng định với phụ huynh và thí sinh như vậy".

Liên hệ dẫn chứng ngay chính bản thân mình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: "Tôi từng học Trường ĐH Ngoại thương nhưng bây giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Như vậy có trái ngành trái nghề không? Không hề trái ngành, trái nghề một chút nào. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc về giáo dục đại học gần 30 năm qua cùng những cập nhật những biến động trên thế giới".

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng đến nay cô vẫn không dừng việc học mà liên tục học, cập nhật kiến thức mới: "Đây là con đường không thể tránh được. Các em không chỉ dừng lại ở bậc đại học, không phải vì bằng cấp mà vì sự phát triển của chính chúng ta, và phải đóng góp được cho xã hội, cho gia đình".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, dù học ngành nghề gì, sinh viên đại học cũng cần trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Đây là ba kỹ năng mà bất cứ công việc nào trong tương lai cũng sẽ cần đến và là yếu tố để cạnh tranh được với lao động chất lượng cao của nước ngoài trong xu hướng lao động toàn cầu.

"Ngoài kiến thức chuyên ngành có thể gọi là kiến thức lõi, người học cần chủ động trang bị cho mình những kỹ năng khác để thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng và công việc. Điều đó không nhà trường nào dạy đủ mà đòi hỏi mỗi người học cần trau dồi, bổ sung, tích lũy trong quá trình làm việc sau này nếu không muốn bị đào thải. Đó cũng là chìa khóa để học một ngành làm được nhiều nghề".

Trường hợp trong quá trình chọn ngành, chọn trường mà phụ huynh và con cái có sự mâu thuẫn, không thống nhất thì theo TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), phụ huynh nên lắng nghe các con để định hướng chọn ngành nghề.

Theo TS. Phạm Tấn Hạ, phụ huynh không nên áp đặt trong hướng nghiệp cho con. Một số phụ huynh thương con, mong muốn con học tập sau này có việc làm tốt, thu nhập cao, trong khi con lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều, ít tiền nên phụ huynh không chấp nhận. Như vậy rất không ổn. "Thực tế khi các em có hứng thú thì mới học và thành công được. Cho dù phụ huynh ép buộc các em cũng không học được.

Phụ huynh đừng quá lo lắng trong chuyện quyết định chọn ngành của con. Nếu các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt. Giỏi không chỉ về kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến và có thu nhập tốt. Nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con mình".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-chia-khoa-de-hoc-mot-nganh-lam-duoc-nhieu-nghe-16924032213255036.htm