Chuyên gia chỉ rõ những vùng biển nguy hiểm và nguyên tắc an toàn khi tắm biển

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, trong đó có mất kiểm soát, không có kỹ năng bơi, thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước, người dân tắm ở các điểm không an toàn, khu vực gặp nạn xa nơi cứu hộ...

Liên tiếp tai nạn khi tắm biển

Ngày 19/5, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích khi tắm ở bãi biển Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Đơn vị này cho biết sự việc làm 2 người chết và 1 người mất tích xảy ra vào chiều tối 18/5, tại bãi biển thuộc lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Thời điểm trên có một nhóm gồm 9 thanh thiếu niên từ 9 - 15 tuổi xuống tắm biển tại khu vực cắm bảng nguy hiểm cấm tắm. Do có sóng to, nhóm bị cuốn trôi ra xa bờ. Sau khi phát hiện vụ việc, các nhân viên cứu hộ đã cứu được 8 em đưa vào bờ. Tuy nhiên có 2 em không qua khỏi và 1 em còn mất tích.

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm khi tắm biển xảy ra liên tiếp.

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm khi tắm biển xảy ra liên tiếp.

Trước đó vào khoảng 17h chiều 18/5, nhóm học sinh Trường THCS Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cùng nhau đi tắm ở bãi biển phường Quảng Thọ. Thời điểm này biển có sóng to, các em bị cuốn ra xa và đuối nước. Phát hiện sự việc, người dân gần đó đã cứu được 5 em đưa lên bờ và tiến hành sơ cứu. Có 2 em học sinh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.

TS Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, trong đó có mất kiểm soát, không có kỹ năng bơi, thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước, người dân tắm ở các điểm không an toàn; Không có biển cảnh báo mực nước, khu vực gặp nạn không có người quản lý; Mưa lớn, thay đổi thời tiết đột ngột có thể tạo ra các điều kiện gây nguy hiểm cho người dân, nhất là người dân đang ở gần khu vực sông, suối; công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh.

TS Lê Đình Mầu cho biết, tại Việt Nam, số người bị đuối nước tại các bãi ngang, bãi mới phát triển, nơi không có lực lượng cứu hộ đang có xu hướng gia tăng. Nạn nhân chủ yếu là thanh niên, du khách, người thích mạo hiểm.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên gia về cứu hộ bãi biển, để đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biến thì đội ngũ cứu hộ phải chuyên nghiệp và du khách phải có ý thức đảm bảo an toàn. Thực tế khi du lịch biển, du khách thường đi cả gia đình. Nhiều trẻ em, phụ nữ không biết bơi nhưng khi tắm biển lại không chịu mặc áo phao. Những dịp lễ thì tập trung quá đông, có khi cả nghìn người cùng tắm biển ở một khu vực thì không đội cứu hộ nào quán xuyến hết được. Khi có trường hợp đuối nước, phương tiện cứu hộ cũng không thể nhanh chóng lao ra tiếp cận.

Trừ các bãi biển lớn do chính quyền địa phương quản lý có thể tổ chức đội cứu hộ chuyên nghiệp, còn phần lớn các bãi biển gắn liền với những khu du lịch tư nhân thì đội ngũ cứu hộ thường nghiệp dư, thậm chí không có. Đây là sự bất cập cần sớm khắc phục để giữ an toàn cho du khách. Đã tổ chức bãi tắm thì phải có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản, có kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước và trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, môtô nước, bình ôxy...

Những bãi biển dễ xảy ra tai nạn đuối nước

Theo chuyên gia, khi đang tắm biển mà gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và hiểu rằng, dòng nước không cuốn bạn chìm xuống đáy mà chỉ kéo bạn ra xa bờ. Tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy. Đối với người biết bơi hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ.

Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức thì cần thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy đã yếu thì cố gắng ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu.

Chuyên gia cho biết, các bãi tắm ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Vũng Tàu), nơi có nhiều bãi biển đẹp, trực tiếp tiếp xúc với biển sâu nên bị tác động mạnh của sóng biển, nhất là sóng lừng từ các cơn bão trên Biển Đông nên nguy cơ tai nạn tắm biển do dòng rip lớn nhất.

Các bãi tắm ở phía bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) và phía nam (Tiền Giang - Kiên Giang) nơi có đà sóng ngắn và độ sâu vùng biển ven bờ nhỏ, năng lượng sóng tới bờ đã bị suy giảm, ít bị tác động của sóng dài (sóng lừng) nên dòng rip ít nguy hiểm hơn.

Dòng chảy xa bờ hay còn gọi là dòng rip (Rip Current) là một loại hình cấu trúc dòng chảy tách bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ, có hình thái và kích thước của một luồng nước mạnh với bề ngang hẹp (khoảng 15-20 m). Do được tạo thành từ sự bức ngang với luồng chảy song song dọc bờ, nên người ta thường gọi nó là dòng rip. Có nơi gọi là dòng đứt ngang, dòng rút, ao nước xoáy, dòng nước lừa…

Dòng rip xuất hiện nhiều, nguy hiểm vào thời kỳ gió mùa đông bắc thịnh hành (tháng 11 đến tháng 3 năm sau) với các đặc trưng sóng hướng đông bắc với cường độ mạnh, ổn định. Thời kỳ chuyển mùa từ mùa gió tây nam sang mùa gió đông bắc (tháng 9-10) thường bị tác động mạnh bởi sóng lừng từ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Riêng khu vực từ Bình Thuận đến Vũng Tàu, dòng rip xuất hiện nguy hiểm cả ở thời kỳ gió mùa tây nam, nhất là các tháng 7-9 do đường bờ khu vực này có hướng đông bắc - tây nam trùng với hướng gió tây nam.

Nhìn chung, tại các bãi tắm truyền thống dòng rip thường có cấu trúc xác định, ít biến động về vị trí, hơn nữa là nơi thường có sẵn lực lượng cứu hộ, do vậy ít nguy hiểm hơn. Dòng rip tại các bãi ngang do bị tác động của nhiều hướng sóng nên dòng rip có hình dáng, cấu trúc, cường độ, vị trí dễ thay đổi, do vậy nguy hiểm hơn.

Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, cần tuân thủ các nguyên tắc trước khi xuống biển. Khởi động vài phút trước khi xuống tắm biển. Không tắm biển khi đã uống rượu, bia, chất kích thích. Người có tiền sử bệnh tim mạch nên thận trọng khi tắm biển. Không tắm ở những khu vực đã được cắm cờ đen báo hiệu có ao xoáy hoặc những khu vực có biển báo, biển cấm nguy hiểm, khu vực nước sâu, sóng lớn.

Những người không biết bơi và trẻ em dưới 13 tuổi tắm biển cần mang theo phao bơi (hoặc mặc áo phao) và phải có người trông coi và tắm cùng. Tuân thủ những quy định được niêm yết tại bãi biển, và nhất là tín hiệu, hướng dẫn của nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-ro-nhung-vung-bien-nguy-hiem-va-nguyen-tac-an-toan-khi-tam-bien-169240520111907692.htm