Chuyên gia kinh tế tiếp tục kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Có những lúc Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, gây bất ổn thị trường.

Dự thảo Nghị định xăng dầu sửa đổi lần này tập trung 4 vấn đề lớn gồm: điều kiện tham gia hệ thống, hệ thống phân phối, quy định về giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại hội thảo Góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14.5, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến việc sửa đổi quy định về các vấn đề trên. Trong đó, đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu được các chuyên gia đưa ra một lần nữa.

Trong thời gian qua, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG). Cơ quan nhà nước cho rằng vẫn cần có quỹ; còn phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và nhiều chuyên gia kinh tế lại nói không cần thiết.

Kết quả thanh tra ngày 4.1.2024 của Thanh tra Chính phủ cho thấy Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi quỹ tính cho một đơn vị sản lượng, khi bình ổn giá theo Thông tư liên tịch số 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83 và Thông tư số 103, dẫn đến từ năm 2017 đến năm 2021, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định mức trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. Quỹ BOG nằm trong tay doanh nghiệp, có những trường hợp tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì họ rút quỹ ra xài, những vụ án liên quan đến sai phạm, như tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng quỹ như Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức... trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long - Ảnh: Internet

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long - Ảnh: Internet

Đứng về phía doanh nghiệp xăng dầu, theo ông Long, quỹ không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Trong quá trình điều hành, sử dụng, quản lý quỹ BOG, cơ quan chức năng có những lúc để cho quỹ âm, làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ, có tâm lý ỷ lại vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà phải sử dụng các phương thức, công cụ khác.

"Do vậy, về lâu dài nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới", ông Long nhấn mạnh. Từ những vấn đề nêu trên, vị chuyên gia đã đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông, việc bỏ quỹ BOG không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012 cũng như Luật Giá năm 2023. Luật Giá chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (được quy định cụ thể tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu).

Việc bỏ quỹ BOG xăng dầu vào thời điểm này là có cơ sở thực tiễn vì nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Chu kỳ điều hành giá được điều chỉnh xuống 7 ngày đã làm giảm được mức biến động, việc điều hành giá chủ động, linh hoạt hơn theo giá thế giới.

Qua theo dõi, ông Long cho thấy tâm lý của người tiêu dùng đã thích ứng được với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước theo biến động giá thế giới. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

Thực tiễn khi cần bình ổn giá, theo quy định tại Luật Giá năm 2023 để bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thì ngoài công cụ quỹ, còn có các biện pháp là điều hòa cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng hàng hóa, dịch vụ; áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, trong nhiều kỳ điều hành vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ, tuy nhiên thị trường vẫn ổn định. Đồng thời, thực tế "số tiền" không đổi, trích rồi lại chi nên việc tác động đến CPI không nhiều (chỉ tác động tăng/giảm tại thời điểm; hoặc tác động tâm lý).

Sự đánh giá từ thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước cho thấy, hiện còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước nên có thể thấy nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh, vì vậy vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây. Đồng thời, việc bỏ quỹ sẽ khắc phục được một số khó khăn, hạn chế từ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng của doanh nghiệp đầu mối, việc tổng hợp theo dõi công bố và kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cũng là tránh được sự "hoài nghi" từ dư luận xã hội.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-kinh-te-tiep-tuc-kien-nghi-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-217218.html