Chuyển giao kỹ thuật điều trị ung thư tuyến vú cho bệnh viện tuyến dưới

Dù thành lập hơn 5 năm, BV Ung bướu Thanh Hóa đã phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương, chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.

Mới đây, ThS.BS Nguyễn Thùy Linh- Trưởng đơn vị can thiệp tuyến vú, BV K cùng BS Khoa Chẩn đoán hỉnh ảnh - Thăm dò chức năng, BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa triển khai kỹ thuật "Hút chân không VABB trong điều trị các u vú lành tính" trên 2 bệnh nhân: Bệnh nhân thứ nhất L.Q.T 27 tuổi, được chẩn đoán U xơ vú bên phải.

Chị T. là người chưa lập gia đình sau khi được tư vấn về các ưu điểm của kỹ thuật "Hút chân không VABB trong điều trị các u vú lành tính" chị T. đã lựa chọn phương pháp này.

Bệnh nhân thứ hai là chị Q.T.S 41 tuổi, chẩn đoán u xơ vú phải lành tính, bệnh nhân phát hiện bệnh vài năm nay, được biết BV Ung bướu Thanh Hóa triển khai phương pháp "Hút chân không VABB trong điều trị các u vú lành tính", bệnh nhân quyết định vào viện để thực hiện.

Mẫu bệnh phẩm được cắt hút chân không

Mẫu bệnh phẩm được cắt hút chân không

Cả 2 bệnh nhân trên trong và sau thực hiện điều trị u xơ tuyến vú bằng sinh thiết có hỗ trợ chân không dưới siêu âm VABB đều cắt bỏ hoàn toàn các khối u, không để lại sẹo, không đau, bệnh nhân ổn định và trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo BSCK II Trần Văn Thiết - Giám đốc BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, ung thư vú là một loại bệnh lý thường gặp nhất ở phụ nữ, nếu được chẩn đoán sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao.

Để sinh thiết vú, bệnh viện thường áp dụng phương pháp sinh thiết mở hay sinh thiết lõi kim (CNB). Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều có những hạn chế như để lại sẹo, gây tổn thương nhiều (gây đau), tăng nguy cơ gây tổn thương đến núm vú, thành ngực hoặc mảnh mô sinh thiết nhỏ không đại diện hết tổn thương nên dễ bỏ sót bệnh. Do đó, có không ít phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ đang lo lắng về việc đảm bảo thẩm mỹ cho bầu vú của mình.

Vì vậy, kỹ thuật "Sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không" (VABB) là một kỹ thuật mới được bệnh viện ứng dụng nhằm can thiệp bệnh lý tuyến vú và cung cấp thêm một lựa chọn cho chị em, đặc biệt là phụ nữ trẻ mắc ung thư vú.

ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Trưởng đơn vị can thiệp tuyến vú- BV K trình bày tại BV Ung bướu Thanh Hóa

ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Trưởng đơn vị can thiệp tuyến vú- BV K trình bày tại BV Ung bướu Thanh Hóa

Chẩn đoán và điều trị tổn thương tuyến vú bằng sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không - VABB được sử dụng để chẩn đoán sớm các tổn thương vi vôi hóa nghi ngờ ác tính ở vú với độ chính xác cao. Tổn thương này phần lớn được phát hiện nhờ khám sàng lọc dựa trên các phương tiện như siêu âm, cộng hưởng từ và đặc biệt là nhũ ảnh.

Để sinh thiết tổn thương, thay vì phải mổ mở, bác sĩ sẽ sử dụng kim lớn có hỗ trợ hút chân không, giúp thực hiện cắt, hút liên tục lấy ra các mẫu mô kích thước lớn và được gửi đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Sinh thiết này được thực hiện dưới hướng dẫn của máy chụp tuyến vú có tích hợp hệ thống định vị 3D.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể ứng dụng có hỗ trợ hút chân không (VABB) trên người bệnh mắc u tuyến vú kích thước nhỏ nghi ngờ ác tính, tổn thương u nhỏ lẫn với cấu trúc tuyến vú, trên lâm sàng các bác sĩ khám dễ bỏ xót do không sờ thấy.

Đây là trường hợp rất khó để có thể tiếp cận chính xác bằng các phương pháp thông thường. Với sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không, chỉ 1 lần đưa kim vào vị trí lấy tổn thương, tiến hành cắt và hút liên tục có thế lấy toàn bộ tổn thương nên việc đồng thời đánh dấu bằng marker chuyên dụng là cần thiết. Các mẫu mô này sẽ được gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Do toàn bộ khối u được lấy ra với mẫu mô lớn, nên kết quả chẩn đoán sẽ chính xác hơn, hỗ trợ tối ưu trong ứng dụng chẩn đoán sớm ung thư vú. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật này, các bác sĩ thường phải định vị tổn thương bằng kim dây móc nhờ sự hỗ trợ của siêu âm hoặc chụp tuyến vú và sau đó vẫn phải mổ mở với đường mổ dài trên da và có nguy cơ lấy không đúng tổn thương.

Với hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trung ương đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực chẩn đoán và điều trị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế BV Ung bướu Thanh Hóa, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, giúp giảm đáng kể tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Khánh Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-giao-ky-thuat-dieu-tri-ung-thu-tuyen-vu-cho-benh-vien-tuyen-duoi-169231113143056288.htm