Chuyến thăm Iran hiếm hoi của quan chức Triều Tiên

Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên đưa tin một phái đoàn cấp cao của nước này đang có chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi tới Iran.

Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho (bên phải) và Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora, chụp ảnh ở Bình Nhưỡng hôm 27/3. Ảnh: Yonhap

Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho (bên phải) và Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora, chụp ảnh ở Bình Nhưỡng hôm 27/3. Ảnh: Yonhap

Theo KCNA, phái đoàn do Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho dẫn đầu đã khởi hành tới Iran bằng máy bay vào hôm 23/4. KCNA không tiết lộ thêm thông tin chi tiết về chuyến thăm.

Việc một quan chức cấp cao của Triều Tiên tới thăm Iran là điều hiếm khi xảy ra. Lần gần nhất quan chức Bình Nhưỡng thực hiện chuyến thăm công khai tới Tehran là vào năm 2019. Ông Pak Chol-min, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên, đã đến thăm Iran để thảo luận hợp tác.

Thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Bình Nhưỡng và Tehran được biết đến là có mối quan hệ chặt chẽ dù cả hai nước đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt. Theo hãng thông tấn Yonhap, hai nước này bị cáo buộc trao đổi các bộ phận và công nghệ tên lửa đạn đạo, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq 1980 - 1988.

Hồi tháng 2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhân dịp kỷ niệm 45 năm Cách mạng Hồi giáo. Ông Kim bày tỏ tin tưởng “mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước được hình thành trên con đường chung đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc sẽ mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực”.

Hôm 16/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington “vô cùng quan ngại” về cáo buộc hợp tác giữa Tehran và Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Hãng thông tấn Yonhap cho hay chuyến thăm này làm dấy lên suy đoán rằng ngoài hợp tác kinh tế, Triều Tiên có thể tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Iran.

Tuần trước, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết họ đang tìm hiểu xem liệu Iran có sử dụng công nghệ của Triều Tiên để đưa vào tên lửa đạn đạo phóng vào Israel hay không, do sự hợp tác tên lửa giữa Triều Tiên và Iran trong quá khứ.

Hôm 13/4, Tehran đã phóng hàng trăm tên lửa và thiết bị bay không người lái vào các mục tiêu quân sự bên trong Israel, nhằm đáp trả cuộc tấn công trước đó vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus, Syria, khiến hai tướng và một số sĩ quan cấp cao khác thiệt mạng.

Bình Nhưỡng cũng phải đối mặt với cáo buộc từ phương Tây rằng phong trào Hamas của Palestine, vốn có quan hệ với Iran, đã sử dụng vũ khí của Triều Tiên trong cuộc tấn công chống lại Israel vào ngày 7/10/2023

Vào thời điểm đó, KCNA đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đây là “tin đồn vô căn cứ và sai sự thật”, nhằm “đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng Trung Đông do chính sách bá quyền sai lầm của Mỹ gây ra sang một nước thứ ba”.

Mỹ và các đồng minh cũng cáo buộc Triều Tiên và Iran cung cấp đạn pháo và thiết bị bay không người lái cho Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine. Bình Nhưỡng và Tehran đã bác bỏ cáo buộc này. Trong đó, Nga khẳng định nước này dựa vào vũ khí sản xuất trong nước cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, Yonhap)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-tham-iran-hiem-hoi-cua-quan-chuc-trieu-tien-20240424184554620.htm