Chuyến thăm tạo đòn bẩy cho quan hệ Trung Quốc - châu Âu

Sau Pháp và Serbia, Hungary là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du kéo dài 5 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu, một chuyến thăm quan trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến khu vực trong 5 năm qua.

Ngay sau khi đáp máy bay xuống thủ đô Budapest, nhà lãnh đạo Trung Quốc được Thủ tướng Hungary Viktor Orban và phu nhân chào đón nồng nhiệt. Theo Tân Hoa Xã, đây không chỉ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Hungary, mà còn trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo tờ Politico, ngay trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã gửi thư cho ông Orban, trong đó cho biết, dù nằm cách nhau với khoảng cách địa lý lớn nhưng Trung Quốc và Hungary vẫn tự hào về tình hữu nghị lâu đời. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại chuyện hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi Hungary trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất, cũng như việc "hợp tác đôi bên cùng có lợi" về cơ sở hạ tầng.

Theo hãng tin AP, các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Trung Quốc và Hungary sẽ tập trung vào các khoản đầu tư trong tương lai của Bắc Kinh vào quốc gia Trung Âu này. Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết, ông Tập Cận Bình và các quan chức Hungary sẽ ký ít nhất 16 thỏa thuận song phương trong chuyến thăm. Ông Szijjártó cũng gọi đây là chuyến thăm "lịch sử" và chỉ ra Trung Quốc đã cung cấp nhiều đầu tư nước ngoài cho Hungary hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2023. Ông nói thêm, một số thỏa thuận được ký kết sẽ liên quan đến việc mở rộng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" ở Hungary và có thể bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng. Hungary là quốc gia đầu tiên trong khối EU tham gia "Vành đai và Con đường".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2023. Ảnh Getty Images.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2023. Ảnh Getty Images.

Trước đó, rời Pháp mà không có thỏa thuận nào được ký, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Serbia. Tại đây, ít nhất 28 văn kiện về hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã được thông qua. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Aleksandar Vucic cũng đã ký thỏa thuận chung về việc nâng cấp quan hệ Serbia - Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, đánh dấu Serbia là nước phương Tây đầu tiên tham gia mô hình này. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Serbia cũng nêu rõ, hai nước đã quyết định làm sâu sắc và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Serbia là nước đầu tiên tại khu vực Trung và Đông Âu trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc cách đây 8 năm. Điều này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh sau lễ ký: "Trung Quốc và Serbia là những người bạn thực sự và đối tác tốt. Sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị giữa hai nước rất vững chắc. Hợp tác thực tế, nâng cấp thể chế và phối hợp đa phương chặt chẽ và suôn sẻ, và tình hữu nghị bền chặt là trường tồn".

Về phần mình, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng nhấn mạnh, việc hai bên tuyên bố về việc làm sâu sắc và nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như xây dựng cộng đồng Serbia và Trung Quốc có tương lai chung trong kỷ nguyên mới là mức độ hợp tác cao nhất giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Serbia cũng khẳng định, kể từ năm 2020, Trung Quốc đã là nhà đầu tư lớn nhất ở Serbia và khoản đầu tư của nước này đã tăng gấp 30 lần trong thập kỷ qua. Ông Aleksandar Vucic kỳ vọng thỏa thuận thương mại tự do song phương dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới sẽ đảm bảo xuất khẩu miễn thuế cho 95% sản phẩm của Serbia sang Trung Quốc trong vòng 5 -10 năm tới.

Trước thềm chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hồi đầu tuần nhấn mạnh: "Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới châu Âu trong 5 năm qua. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển chung trong quan hệ của Trung Quốc với Pháp, Serbia, Hungary, cũng như quan hệ Trung Quốc - châu Âu. Chuyến thăm cũng sẽ tạo ra những động lực mới mẻ cho sự phát triển hòa bình của thế giới".

Pháp, Serbia và Hungary là ba quốc gia châu Âu có quan hệ ổn định với Trung Quốc. Trong đó, Pháp là nước lớn đầu tiên của phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm nay hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Serbia là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu. Trong khi đó, Hungary là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung - Đông Âu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong những điểm đến này có quốc gia là nước lớn ở Tây Âu, có quốc gia là đại diện ở Đông Âu và cũng có nước nằm trong Liên minh châu Âu, ngoài Liên minh châu Âu. Do đó, chuyến thăm thể hiện sự trọng thị của Trung Quốc đối với châu Âu. Kết quả thực chất của chuyến thăm sẽ không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với Pháp, Serbia và Hungary mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng, quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu không chỉ liên quan đến sự phát triển trong tương lai của cả hai bên mà còn có tác động quan trọng đến quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Bởi vậy, chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc lần này có ý nghĩa như một đòn bẩy thúc đẩy sự ổn định trong một thế giới nhiều thay đổi.

Duy Tiến (Tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chuyen-tham-tao-don-bay-cho-quan-he-trung-quoc-chau-au-i730752/