'Chuyện yêu' ảnh hưởng phong độ các sao quần vợt thế nào?

Được bạn trai đến sân cổ vũ thì tuyệt còn gì bằng, nhưng đôi khi điều đó lại khiến nhiều tay vợt nữ cảm thấy bối rối.

Trong làng thể thao, một số người thăng hoa nhờ tình yêu, nhưng đó chỉ là số ít. Phần nhiều rơi vào tình trạng “ôm nhiều thì ốm, yêu nhiều thì yếu” nhất là các vận động viên trẻ mới biết yêu. Sharapova, Wozniacki từng mất phong độ vì yêu. Không hẳn là khi yêu, họ sinh hoạt thiếu điều độ, ăn ngủ không đủ, đi chơi nhiều mà yếu.

Khi tình yêu không phải liều thuốc cho trái tim các tay vợt nữ

Theo các chuyên gia y học, tình yêu làm hại trái tim các tay vợt nữ. Sự xuất hiện của người yêu trên khán đài khiến bộ não của họ có phản ứng theo kiểu cần hành động làm sao để hấp dẫn bạn tình nhất. Nó không chỉ dừng lại ở biểu hiện má ửng hồng bên ngoài, mà xảy ra một loạt quá trình sinh hóa phức tạp bên trong cơ thể. Não bộ hưng phấn giải phóng ra chất noradrenaline tăng đột biến trong máu, hệ quả là tim đập nhanh hơn.

Cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki sa sút rất nhiều khi vướng vào trò chơi tình ái với golf thủ Rory McIlroy.

Cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki sa sút rất nhiều khi vướng vào trò chơi tình ái với golf thủ Rory McIlroy.

Người bình thường đứng cạnh người yêu cũng rơi vào trạng thái này, tim họ đập nhanh hơn và huyết áp tăng thêm một chút. Với các vận động viên, để tim đập nhanh hơn trong khi họ đang phải vận động cao là điều nguy hiểm. Họ sẽ xuống sức nhanh hơn, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi hơn và cú đánh kém phần uy lực hẳn. Việc nồng độ noradrenaline trong máu tăng cao còn tạo ra phản ứng phụ đáng ghét là kích thích tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn.

Bình thường, các tay vợt khi thi đấu đã gặp phiền toái với mồ hôi nhưng chủ yếu là ở vùng thân và cánh tay. Riêng noradrenaline lại mẫn cảm đặc biệt với tuyến mồ hôi ở lòng bàn tay và đó là lý do vì sao khi ngồi gần người yêu, nhiều người mồ hôi tay đổ ra ầm ầm. Việc đổ mổ hôi tay nhiều sẽ ảnh hưởng đến độ bám khi cầm vợt và khiến tay vợt đang yêu cảm thấy không còn chắc tay khi cầm vợt, mất tự tin và chính xác khi vụt banh.

Ảnh hưởng nguy hiểm hơn từ chuyện tăng nồng độ noradrenaline là nó còn khiến giải phóng ra chất dopamine. Chất này có tác động rất lớn đến thị lực của con người. Nó khiến mắt tiếp thu các ánh sáng và di chuyển tốc độ cao chậm hơn. Nếu nói chất dopamine là kẻ thù của các tay vợt khi đang thi đấu thì cũng không sai vì khi nồng độ chất này trong máu cao thì việc quan sát những quả banh vốn có màu sáng và di chuyển cao sẽ khó khăn hơn.

Trong thể thao đỉnh cao, sự tập trung rất quan trọng và nếu không thể tập trung vào quả banh thì các tay vợt nữ lấy gì để chiến thắng đối thủ? Phải chăng vì thế mà người ta nói khi yêu con tim che kín con mắt. Nhưng thứ đáng sợ nhất chính là chất serotonin gây ức chế trong thần kinh. Khi yêu mãnh liệt, đặc biệt là phụ nữ thì họ có ham muốn tột cùng là gần gũi người yêu.

Càng nhìn thấy người yêu ở gần mà không thể ôm chầm lấy và làm nhiều điều khác thì nồng độ chất serotonin sẽ càng tăng lên. Khi đó thần kinh sẽ rơi vào trạng thái bị ức chế và họ không thể giữ được bình tĩnh trong suy nghĩ.

'Chuyện yêu' của các tay vợt khi tham dự giải

Một vấn đề tế nhị khác là khi yêu thì nhu cầu sex sẽ cao hơn bình thường . Thế nhưng, nếu làm điều này trong giải thì ảnh hưởng đến thể lực mà không làm thì ảnh hưởng đến thần kinh. Kiểu nào cũng khó nên tốt nhất khi chơi thể thao đỉnh cao không thể để tình yêu chi phối quá nhiều .

Chuyện sex và quần vợt thì ham muốn tùy người, cũng như thế giới bên ngoài. Có người càng “nhịn” thi đấu càng tốt như Federer. Có người như Murray công khai thừa nhận rằng anh và vợ Kim Sears luôn duy trì chuyện sex một cách đều đặn, ngay cả trong giải, trước các trận đánh lớn, việc này không hề ảnh hưởng tiêu cực đến phong độ của anh mà ngược lại, nó giúp anh chơi thăng hoa hơn.

Andy Murray không ngại ngùng khi chia sẻ chuyện chăn gối của mình.

Andy Murray không ngại ngùng khi chia sẻ chuyện chăn gối của mình.

Ilie Nastase, tay vợt huyền thoại người Romania khoe khoang trong cuốn tự truyện rằng ông đã lên giường với khoảng 2.500 phụ nữ. Có thể là Nastase phóng đại con số đó nhưng có lẽ ông cũng chung đụng với nghìn người. Nastase khoe là ông có thói quen sưu tập phụ nữ tại các giải mà mình tham gia, nên đi đến đâu là Nastase tìm phụ nữ tại đó...

Những cuộc vui tốn sức đó không làm ảnh hưởng đến Nastase khi ông chinh phục giải US Open 1972 và Roland Garros 1973.

Chuyện Nastase thì quá xa nhưng chuyện Safin lại khá gần. Safin là tay vợt số một thế giới năm 2000 và được biết đến như người đàn ông quyến rũ nhất nước Nga. Có nhiều cô gái trẻ đẹp tìm đến Safin tán tỉnh và không phải lần nào anh cũng đứng vững trước những lời mời mọc .

Năm 2005, Safin vô địch Australian Open và báo chí Nga kháo rằng động lực khiến Safin chơi hay là nhờ có hai cô gái tóc vàng luôn bám theo anh trong giải đấu. Có tin đồn Safin sẽ không thể cầm vợt đánh thanh thoát nếu một ngày trước đó không được gần người phụ nữ nào.

Chuyện sex không chỉ có ở các tay vợt nam mà các tay vợt nữ cũng vậy. Flavia Pennetta, tay vợt nữ từng vô địch US Open 2015, tiết lộ các tay vợt nữ cũng rất quan tâm chuyện này. Pennetta cho biết thời cô còn cặp kè với Carlos Moya thì họ rất khoái chuyện đi đánh chung một giải, thời gian sau trận hay chờ trận kế tiếp, họ lại cùng nhau “vui vẻ” .

Người đẹp Italy khoe: “Vào giải, ham muốn của chúng tôi còn cuồng nhiệt hơn nhiều lúc không đánh giải”. Năm 2007, cô muốn gây bất ngờ cho Moya khi xuất hiện ở Thụy Điển, nơi anh đang đánh giải, thì cô bắt gặp Moya ngoại tình với một nữ phóng viên Tây Ban Nha, họ chia tay từ đó. Sau đó, Pennetta tìm vui ở nơi khác.

“Có ba, bốn tay vợt nam tìm đến tôi và đề nghị trực tiếp chuyện ấy như một vấn đề rất nghiêm túc, nếu bạn một mình và cảm thấy ức chế cần giải tỏa, bạn sẽ khó lắc đầu từ chối, vấn đề ở đây không phải là có tình yêu giữa tôi và bọn họ mà đơn giản là chúng tôi cần nhau để giải tỏa ức chế” .

Pennetta mạnh thế nên tay vợt đồng hương Fabio Fognini ăn phải bùa mê của cô là phải. Năm 2016, chàng “phi công” kém người đẹp năm tuổi đã quyết định góp gạo thổi cơm chung với bà chị.

Francesca Schiavone, cũng người Italy, vô địch Roland Garros 2010 táo bạo như người đồng hương: “Với phụ nữ, sex trước trận đấu phải được cho phép, nó rất tuyệt vời, nó làm tăng lượng hormone và mang đủ thứ lợi khác đến” .

Năm 1995, khi giải thích tại sao trở lại phong độ nhanh thế, Jim Courier nói: “Bí kíp của tôi đơn giản: Nửa lít nước cam hàng ngày và nhiều sex, một tăng can-xi, một cho sự thư giãn”.

Anna Kournikova từng được xem là "biểu tượng sex" của làng banh nỉ.

Anna Kournikova từng được xem là "biểu tượng sex" của làng banh nỉ.

Ernests Gulbis, tay vợt bất kham người Latvia trước đây có cả thuốc lá, rượu và sex trước ngày đánh giải. Một lần đấu giải ở Thụy Điển, anh bị cảnh sát bắt vào đồn vì đi với gái điếm. “Ai biết đâu, khi tôi gặp cô gái, cô ấy có nói với tôi về nghề nghiệp đâu, nhưng cũng vui, tôi nghĩ ai cũng nên ít nhất một lần ngồi tù”, Gulbis cười.

Dù vậy, nhiều cặp đôi quần vợt phải chia tay tình yêu vì nó không hòa nhập được cuộc sống chuyên nghiệp cùng với những tham vọng sự nghiệp của họ, có thể họ biết nhau quá rõ nên không còn điều gì bất ngờ thú vị trong cuộc sống nữa, có thể không ai chịu hi sinh vì lợi ích của đối tác. Connors và Evert từng được xem như “cặp tình nhân của nước Mỹ”, nhưng họ có kết cục không tốt.

“Tôi và Jimmy đã đi khắp nơi thi đấu cùng nhau trong hai năm rưỡi nhưng cuối cùng chúng tôi cũng không thành. Chúng tôi đều muốn trở thành số một thế giới, đều cần sự ổn định, tập trung, những điều rất cần thiết trong môn chơi này. Chúng tôi không thể ở bên nhau suốt, đến một thời điểm, chúng tôi cùng mệt mỏi” .

Evert và Connors đã định ngày cưới vào 8/11/1974 nhưng họ chia tay nhau hai tháng trước ngày đó. Sau này, Evert với John Lloyd là tay vợt ít tiếng tăm hơn, nhưng cũng chia tay. Hingis cũng không đến đâu với các đồng nghiệp nam như Julian Alonso, Magnus Norman, Ivo Heuberger rồi Stepanek.

Trải nghiệm không vui của Connors và Evert sau này cũng ứng vào nhiều cặp đôi đẹp khác như Sharapova với Dimitrov, Jack Sock và Sloane Stephens, Hewitt với Clijsters...

*(Tít bài viết được Zing.vn đặt lại)

Trích sách “100 năm Quần vợt Việt Nam - Một thời vàng son, một thời trăn trở”.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-yeu-anh-huong-phong-do-cac-sao-quan-vot-the-nao-post972227.html