Có chiến lược toàn diện, lâu dài phát triển văn hóa đọc

Cần có nghiên cứu định kỳ về thực trạng đọc trong xã hội; xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản văn hóa đọc Việt Nam...

Sách giáo khoa, giáo trình vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp quy có nhiều điểm mới phát triển văn hóa đọc, từ đó được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp có nhiều hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022 tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với 598.938.423 bản (tăng 49,5%) là những con số tăng tưởng ấn tượng nói lên sự vượt trội của ngành trong năm 2022 so với những năm trước đây. Nhất là tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 6,02 (tăng 47,3%) đạt được tỷ lệ trên 6% bản sách/năm, sau 12 năm, chúng ta đã thực hiện được Chỉ thị 42-CT/TW của Trung ương đề ra 6 ấn phẩm sách/người/ năm, cho năm 2010.

Ngành xuất bản tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, sách giáo khoa, bài tập, sách giáo trình vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu đọc

Ngành xuất bản tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, sách giáo khoa, bài tập, sách giáo trình vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu đọc

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng, nếu phân tích cơ cấu sách thì sách giáo khoa, sách bài tập, giáo viên, giáo trình cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 52,74%, còn sách khác góp phần cho phát triển văn hóa đọc chỉ chiếm khoảng 48% trên tổng số gần 600 triệu bản sách, là: 288 triệu bản/100 triệu dân 2,98 đầu sách/ người/năm. Tỷ lệ này là quá thấp so ngay với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu của toàn ngành xuất bản là gần 4.000 tỷ đồng, doanh thu phát hành sách là 4.500 tỷ đồng cho thấy sự non yếu của ngành kinh tế xuất bản nước ta và cả thực tế văn hóa đọc hiện nay.

Nhìn ra các nước Đông Nam Á và châu Á, doanh thu bán sách của Malaysia năm 2017 đạt 300 triệu USD, gấp 4 lần doanh thu của Việt Nam, trong khi dân số là 34,5 triệu, bằng 1/3 dân số Việt Nam. Doanh thu bán sách của Thái Lan năm 2017 là 650 triệu USD, gấp 5 lần doanh thu Việt Nam, trong khi dân số của quốc gia này là 65 triệu. Doanh thu bán sách của Hàn Quốc là 5,176 tỷ USD, gấp 52 lần doanh thu của Việt Nam, dân số là 53 triệu, bằng 1/2 dân số Việt Nam.

Nguyên nhân là các nước đã có nhiều biện pháp gây dựng thói quen đọc sách cho cộng đồng từ trẻ thơ trong môi trường gia đình và nhà trường. Ví dụ Malaysia, Indonesia đều có tiết đọc sách dành cho học sinh mỗi ngày 15 phút được bố trí trong khung chương trình; Hàn Quốc hình thành nề nếp cha mẹ đọc sách cùng con mỗi tuần ít nhất 3 lần, mỗi lần 30 phút. Với Thái Lan, trong cuộc điều tra 55.920 gia đình năm 2015, trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động 61 phút/ngày, người già 44 phút/ngày...

Xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển văn hóa đọc

Để nâng cao sức đọc, phát triển văn hóa đọc trên cơ sở tác động hình thành thói quen đọc sách của cộng đồng là công việc vô cùng quan trọng. Từ thực trạng trên, ông Lê Hoàng đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Ủy ban bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc sách, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội. Ủy ban có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản văn hóa đọc Việt Nam, xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển văn hóa đọc và tổ chức, đôn đốc, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, hội... liên quan tới đọc theo chiến lược và kế hoạch đã được nhà nước thông qua. Bên cạnh đó, khi sửa đổi và bổ sung Luật Xuất bản sắp tới cần có những điều khoản về phát triển văn hóa đọc.

Cần tổ chức tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm/ lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc

Cần tổ chức tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm/ lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc

Đồng thời, Hội Xuất bản Việt Nam cần tổ chức tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm/ lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc. Kết quả của các cuộc điều tra xã hội học trên quy mô quốc gia nhằm xác định thực trạng đọc của người dân, việc xây dựng thói quen đọc cho trẻ, việc mua sách và xây dựng thư viện cá nhân, cũng như sử dụng thư viện...

Ông Lê Hoàng cho rằng, ngành giáo dục cũng cần có chủ trương hình thành tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức. Ngành xuất bản cần hợp tác với ngành giáo dục để xây dựng Danh mục tài liệu (xuất bản phẩm) theo chủ đề, môn học, lớp học để làm giải pháp nền tảng phục vụ cho việc đổi mới dạy và học có dùng tài liệu xuất bản hiện nay. Ngành văn hóa cần bổ sung tiêu chí xây dựng tủ sách trong gia đình vào tiêu chí chung của Xây dựng gia đình văn hóa (quy định này đã có trong Quyết định số 329/QĐ-TTG ngày 15.3.2017 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).

Các đơn vị quản lý nhà nước ngành xuất bản cần liên tịch phối hợp với các tổ chức Hội, Đoàn, tổ chức xã hội nghề nghiệp để cùng tổ chức các hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc như các cuộc thi, vận động sáng tác, giải thưởng sách, Hội sách, Đường sách...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, kỳ vọng văn hóa đọc sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/co-chien-luoc-toan-dien-lau-dai-phat-trien-van-hoa-doc-i336124/