Có dấu hiệu dư cung, giá sầu riêng thời gian tới ra sao?
Năm 2023, có 1,2 triệu tấn sầu riêng đưa ra thị trường và trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi. Liệu thị trường có hấp thụ hết và có ảnh hưởng đến giá bán mặt hàng này trong tương lai?
Năm 2023, diện tích sầu riêng của cả nước đạt hơn 150.000 hecta, trong đó, khoảng 76.000 hecta đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, bình quân tăng 15%/năm. Do vậy, khi toàn bộ diện tích sầu riêng đang trồng đi vào thu hoạch, lúc đó, sản lượng cung cấp ra thị trường sẽ rất lớn.
Đây là dữ liệu được Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dẫn thông tin từ Cục Trồng trọt đưa ra từ Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức vào cuối tuần qua.
Theo Cục trồng trọt, cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Ước tính, có khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.
Hiện nay, sầu riêng của Việt Nam có hai hình thức tiêu thụ là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, mang về hơn 2,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều đó, có nghĩa là 50% sản lượng sầu riêng còn lại là tiêu thụ trong nước.
Trang fruitnet.com, trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm 2022. Nếu trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan với gần 100% thì trong năm 2023, trong số 1,4 triệu tấn nhập khẩu này, lượng nhập từ Thái Lan xuống còn 68%, còn lại là nhập từ Việt Nam.
Cũng theo trang này, thời gian tới, không chỉ có Thái Lan, Việt Nam mà Philippines cũng trở thành “đối thủ” mới khi các doanh nghiệp nước này cũng tìm cách xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Còn theo Bộ NN&PTNT, ngoài hai đối thủ nói trên, sầu riêng Việt Nam có thể bị cạnh tranh với sầu riêng Malaysia tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Năm 2023, người tiêu dùng Trung Quốc chi ra gần 3,5 tỉ đô la Mỹ cho mặt hàng sầu riêng và đây vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của các nước trong khu vực ASEAN.
Vì thế mà tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Cục trồng trọt đưa ra khuyến cáo rằng, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng và có thể tạo ra nguồn cung “dư thừa” trên thị trường. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.
Trước viễn cảnh thị trường “dư thừa sầu riêng”, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, Việt Nam không chỉ làm việc với phía Trung Quốc mà còn làm việc với Ấn Độ – quốc gia đông dân nhất thế giới để xuất khẩu sầu riêng qua đây.