Cô đỡ thôn bản miệt mài cống hiến sức trẻ trên Cao nguyên đá

Không kể ngày hay đêm, dù trong hoàn cảnh nào khi các sản phụ cần, cô đỡ thôn bản Vừ Thị Mỷ (thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đều có mặt.

Trải qua hơn 13 năm, không lương, không có tiền hỗ trợ nhưng cô đỡ Mỷ vẫn miệt mài cống hiến sức trẻ cho công việc đỡ đẻ, hỗ trợ chăm sóc thai nhi, vận động các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, chị Mỷ còn trực tiếp tuyên truyền giúp người dân bỏ dần các hủ tục, tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và trẻ trong cả quá trình mang thai và sinh đẻ.

Miệt mài với công việc

Cô đỡ Mỷ chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà ở thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cô đỡ Mỷ chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà ở thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ở nơi địa đầu Tổ quốc, Lũng Cú là một trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Đồng Văn (Hà Giang). Đời sống của đại bộ phận đồng bào nơi đây còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Hằng ngày, tiếp xúc với đồng bào, chị Vừ Thị Mỷ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó, nhất là với chị em phụ nữ khi họ vừa phải lên nương, vừa làm việc nhà và chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Hằng ngày chị vẫn lặn lội đi đến giúp đỡ, chăm sóc các sản phụ mới sinh cũng như hỗ trợ các bà mẹ đang mang thai. Khi chúng tôi đến căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư thưa thớt của chị Mỷ, chị đang chuẩn bị đi gửi con nhỏ để tới chăm sóc cho một sản phụ vừa mới sinh được một tuần.

Bước trên con đường nhỏ đến nhà sản phụ, chị Vừ Thị Mỷ kể: Trước đây, hầu hết chị em phụ nữ ở các bản đều sinh đẻ ngay tại nhà, mời thầy mo, thầy cúng làm lễ; sinh đẻ tự nhiên. Vì vậy, những rủi ro trong quá trình sinh nở là không thể tránh được. Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay, khi chương trình Cô đỡ thôn bản có mặt tại Lũng Cú, các ca sinh đẻ tại nhà đều được tư vấn, khám thai và chăm sóc tốt, vì vậy, hạn chế được rất nhiều rủi ro cho các sản phụ và trẻ sơ sinh.

Chị Mỷ luôn miệt mài với công việc bằng cả kiến thức được học cũng như tình cảm, trách nhiệm với đồng bào mình trong vai trò của một cô đỡ thôn bản. Chị cho biết: Trước đây, trình độ dân trí và nhận thức về sinh sản của người dân Lũng Cú còn thấp. Bên cạnh đó, việc đi khám thai hay xuống trạm y tế để sinh đẻ còn xa lạ với người dân nơi đây. Được sự tư vấn của các cô đỡ thôn bản, dần dần người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc sinh sản, phụ nữ có thai đã tự giác đến trạm y tế khám thường xuyên cũng như đề nghị giúp đỡ tại nhà mỗi khi cần thiết.

Cô đỡ Vừ Thị Mỷ đến tư vấn cho thai phụ Sùng Thị Máy (thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) về theo dõi, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và bé trong thời kỳ mang thai. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cô đỡ Vừ Thị Mỷ đến tư vấn cho thai phụ Sùng Thị Máy (thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) về theo dõi, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và bé trong thời kỳ mang thai. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Sản phụ Sùng Thị Máy (thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú) cho biết: Lần đầu tiên sinh con nên chị còn chưa biết và chưa hiểu rõ lắm về quá trình chăm sóc con nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được chị Mỷ về tận nhà theo dõi, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và bé sau sinh, chị cảm thấy rất yên tâm. Đặc biệt, trong thôn, chị em thường không nắm được lịch tiêm chủng hay chế độ khám sau sinh nên chị Mỷ đã đến tận nhà để thông báo, tuyên truyền cho họ xuống trạm y tế xã để tiêm. Người dân rất yên tâm khi có những cô đỡ thôn bản nhiệt tình và tình cảm như chị Mỷ.

Theo nhẩm tính của chị Mỹ, những năm qua, chị đã đỡ đẻ tại nhà được hơn 60 ca, khám thai được gần 900 ca; chăm sóc sau đẻ cho hàng trăm bà mẹ và trẻ sơ sinh; phát hiện, chuyển viện kịp thời nhiều ca khó, nguy hiểm như ngôi ngang, chuyển dạ đẻ non, tiền sử sản giật, chuyển dạ kéo dài…

Nói về một kỷ niệm không thể quên và cũng là động lực để gắn bó với công việc cho tới nay, chị Mỷ chia sẻ đó là lần đầu tiên đến đỡ đẻ cho một sản phụ ở Phố Cáo. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, sản phụ chuyển dạ, chị đã đến nhà kiểm tra nhưng sản phụ đang có chuyển biến xấu, không thể sinh nở tại nhà được. Bằng nghiệp vụ được học và kinh nghiệm bản thân, chị và người nhà sản phụ đã khẩn trương chuyển sản phụ xuống Bệnh viện Yên Minh. Sau đó sản phụ đã sinh đẻ an toàn. Các bác sĩ cho biết nếu ca này thực hiện tại nhà thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng cho cả hai mẹ con. Thấy cảnh sản phụ sinh con an toàn, chị cảm thấy yêu nghề của mình hơn. Và từ đó, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ các sản phụ, dù khó khăn vất vả thế nào chị cũng cố gắng vượt qua.

Cần có chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản

Mô hình "Cô đỡ thôn bản" là người dân tộc cần được nhân rộng và duy trì bền vững. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những động thái quan tâm và tích cực hơn để khuyến khích và có những chính sách tạo điều kiện cho các cô đỡ yên tâm làm việc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Mô hình "Cô đỡ thôn bản" là người dân tộc cần được nhân rộng và duy trì bền vững. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những động thái quan tâm và tích cực hơn để khuyến khích và có những chính sách tạo điều kiện cho các cô đỡ yên tâm làm việc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Sau khi đi học lớp “Cô đỡ thôn bản” từ năm 2008 đến 2010, chị Mỷ đã về làm việc tại nơi mình sinh sống mà không có bất kỳ phụ cấp hay khoản tiền trợ cấp nào khác. Nhưng chị vẫn miệt mài với công việc mà mình được đào tạo. Chị luôn tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; khám thai, tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai tại nhà; phát hiện các trường hợp thai nghén có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ trong chuyển dạ, sau sinh, các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh, sơ cứu và chuyển tuyến trên. Chính vì vậy, những hủ tục dần được thay thế bằng kiến thức sinh sản có chuyên môn mà chị Mỷ chuyển tới cho người dân qua công tác chăm sóc sức khỏe và thăm khám đúng kỹ thuật.

Ngoài nhiệm vụ là cô đỡ thôn bản, chị Vừ Thị Mỷ còn kiêm nhiệm làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng phụ nữ thôn và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến bà con trong thôn, bản. Bản thân chị đã phối hợp với Trạm Y tế xã hay cô đỡ thôn bản của thôn khác thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, tổ chức chiến dịch uống vitamin A cho trẻ em, hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, chăm sóc trẻ em sau sinh.

Bác sĩ Nguyễn Duy Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Cú cho biết: Trước đây, tình trạng sức khỏe sinh sản của người dân chưa thực sự được quan tâm vì là xã biên giới, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục trong chữa bệnh, sinh đẻ. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, với đóng góp của đội ngũ cô đỡ thôn bản, nhất là những người như chị Vừ Thị Mỷ, người dân đã có bước chuyển biến nhận thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Nguyễn Văn Giao: Mô hình "Cô đỡ thôn bản" được triển khai tại tỉnh Hà Giang từ năm 2008, đến nay vẫn hoạt động hiệu quả. Đội ngũ cô đỡ thôn bản như những hạt nhân trong vận động các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ đi tiêm chủng; khám, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp thai nhi to, tiền sản giật, băng huyết… Chính vì vậy, mô hình luôn được Sở quan tâm, nhân rộng và duy trì, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa.

Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết thêm: Hiện, các cô đỡ thôn bản vẫn chưa có nhiều phụ cấp nên việc duy trì ổn định lực lượng này trong thời gian tới đang gặp nhiều khó khăn. Sở đã kiến nghị lên các cấp Trung ương để có chính sách, nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ các cô đỡ thôn bản để những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở cơ sở yên tâm công tác.

Đức Thọ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/co-do-thon-ban-miet-mai-cong-hien-suc-tre-tren-cao-nguyen-da-20240517084256078.htm