Cơ hội để Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện thể chế, giải pháp, huy động nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại

Lời tòa soạn: Sáng nay, 12.5, tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao'. Tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký có bài phát biểu chào mừng Hội thảo. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, các đại biểu dự Hội thảo,

Hôm nay, tỉnh Quảng Ninh rất vinh dự được đăng cai địa điểm và phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên Giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và Nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa thể thao”. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh, tôi xin trân trọng cảm ơn, nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể các quý đại biểu tham dự Hội thảo!

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Như các đồng chí đã biết, tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” và luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.Quảng Ninh được các nhà nghiên cứu đánh giá là một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã 3 lần được UNESCO công nhận, cùng mạng lưới trên 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, đứng thứ 2 toàn quốc); nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng và văn hóa vùng Đông Bắc, văn hóa biển với thương cảng Vân Đồn khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, dựa vào kinh tế biển, văn hóa công nhân mỏ gắn với nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “kỷ luật và đồng tâm”, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên tử - nơi duy nhất có nhà Vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa phật, để lại Thiền phái Trúc lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam; Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích Yên Tử - Côn Sơn - Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa thế giới cùng với các địa phương Hải Dương và Bắc Giang.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương, bằng tinh thần kỷ luật và đồng tâm, đổi mới và sáng tạo Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm, làm việc với Quảng Ninh năm 2022. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã luôn luôn tìm tòi và đột phá đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ gắn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, văn minh dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh gấp 1,4 lần so với Trung ương về tiêu chí thu nhập. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng phòng tuyến cạnh tranh và hợp tác kinh tế quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023). Riêng năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong top đầu cả nước. Tỉnh đã kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với những quyết sách, cách làm khoa học, bài bản, bước đi vững chắc, là địa phương duy nhất với 7 năm liên tục (2017-2023) dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, 5 năm liền (2019 - 2023) dẫn đầu Chỉ số SIPAS, 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (2017 - 2020 và 2022 - 2023), và 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, xây dựng thương hiệu Quảng Ninh là “Điểm đểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV đến nay đã thu hút được trên 566.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó thu hút FDI đạt 7,72 tỷ USD, gấp 3,3 lần cả nhiệm kỳ 2016 - 2020; và ngày càng định hình rõ nét hệ giá trị địa phương với 6 đặc trưng cơ bản: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Quý I.2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP của địa phương, đạt 8,79%.

Trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động khẳng định văn hóa là nguồn tài nguyên tiềm tàng, quý giá nhất; con người được xác định là nguồn lực quan trọng nhất, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển bền vững của địa phương, mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân. Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” là một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2020 - 2030;xác định phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30.10.2023 Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” với 3 khâu đột phá là: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - nhân tố quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, phấn đấu, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực, châu Á về du lịch di sản văn hóa.

Vì vậy, Hội thảo này là dịp quý báu để tỉnh Quảng Ninh được tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng từ các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao, chuyên gia, học giả giúp chúng tôi củng cố quyết tâm, định hướng tầm nhìn để tiếp tục hoàn thiện thể chế và các giải pháp chính sách thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa; huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực phát triển, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở phục vụ nâng cao chất lượng đời sống, hạnh phúc của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một lần nữa kính chúc các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo thu được kết quả tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

______

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/co-hoi-de-quang-ninh-tiep-tuc-hoan-thien-the-che-giai-phap-huy-dong-nguon-luc-phat-trien-he-thong-thiet-che-van-hoa-the-thao-dong-bo-hien-dai-i371462/