Có một ngày mở ra tương lai sáng...

Mỗi khi đất trời vào Thu, người dân Việt Nam lại trào dâng những xúc cảm vừa mãnh liệt, vừa tha thiết. Mặc dù đã 77 năm trôi qua nhưng khoảnh khắc được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9 vẫn còn in sâu trong tâm khảm của nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng

Ngôi nhà nhỏ của ông Lê Viết Trinh (sinh năm 1933) ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, nằm nép mình bên dòng Bến Hải. Khi nghe tôi nhắc đến ngày độc lập, ông Trinh bồi hồi kể: “Ngày 23/8, tôi hòa cùng dòng người trong thôn, xã đi bộ từ nhà ra đến trung tâm huyện Vĩnh Linh để giành chính quyền. Không khí lúc đó rất hào hùng, khí thế. Người lớn cầm vũ khí, cờ Tổ quốc, hô khẩu hiệu. Trẻ con cũng chạy theo, hát hò cổ vũ. Ngày 2/9, khi mọi người truyền tin cho nhau việc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, dân làng tôi ai cũng phấn khởi, hạnh phúc ôm chầm lấy nhau khi nghĩ đến tương lai tươi sáng của ngày độc lập tự do”.

 Ông Nguyễn Lương Ngang an dưỡng tuổi già tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Ông Nguyễn Lương Ngang an dưỡng tuổi già tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Sau sự kiện lịch sử của dân tộc ấy, người thanh niên Lê Viết Trinh nhận thức rằng mình phải sống xứng đáng với truyền thống cách mạng kiên trung của quê hương anh hùng. Ông cùng với anh chị của mình xung phong tham gia cách mạng từ rất sớm.

Năm 1953, khi mới 19 tuổi, ông bị giặc Pháp bắt, tra tấn cùng với 2 người anh ruột là Lê Văn Bảng và Lê Minh Định tại lao Quảng Trị. Người anh Lê Văn Bảng lúc đó là Trưởng Công an xã Vĩnh Liêm, Vĩnh Linh (nay là xã Trung Hải, Gio Linh). Sau nhiều lần tra tấn dã man nhưng không khai thác được tin tức từ người cách mạng kiên trung, giặc Pháp bắn chết ông Bảng. Một thời gian sau, bọn chúng đưa ông Trinh đến Đồn Mỹ Chánh, Hải Lăng, rồi sau đó đưa vào Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế lao động khổ sai.

Nhân lúc lính gác sơ hở, ông đã trốn thoát về lại Trung Hải. Năm 1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc qua cầu Hiền Lương, đất nước bị chia cắt 2 miền ở vĩ tuyến 17, ông Trinh được cấp trên chọn ở lại với lực lượng thanh niên trung kiên xã Trung Hải để tiếp tục hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng.

Hai năm sau, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ phụ trách 2 thôn Xuân Mỵ và Bách Lộc. Năm 1961, giặc bắt ông giam cầm, tra tấn tại lao Quảng Trị. Một năm sau, không khai thác được gì ở ông nên chúng buộc phải thả ông về.

Lúc này, Ban tình báo Công an vũ trang Vĩnh Linh (B8) bàn với Huyện ủy Vĩnh Linh chuyển ông sang làm công tác tình báo. Ông Trinh có nhiệm vụ quan trọng là tập hợp tin tức, phân tích, nhận định tình hình và báo cáo cho B8. Ngoại trừ những lúc đột xuất, có thông tin quan trọng đặc biệt cần phải báo cáo gấp, cứ 5 ngày một lần, ông đều đặn vượt sông Bến Hải ở bến Xuân Long sang bờ Bắc để hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu, ông nhiều lần bị thương, bị giặc bắt giam, tra tấn dã man nhưng quyết không khai một lời và cùng các đồng chí trong chi bộ nhà lao tiếp tục đấu tranh...

Đầu tháng 4/1972, sau khi huyện Gio Linh, Cam Lộ được giải phóng, ông Trinh là thương binh hạng 4/4 nên được cấp trên đưa ra Quảng Bình để an dưỡng một thời gian. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông trở lại quê nhà sinh sống ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, Gio Linh. Các con của ông hiện đều thành đạt, công tác trong ngành công an và làm cán bộ công chức nhà nước.

Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ

Ông Nguyễn Lương Ngang (sinh năm 1932) ở Khóm 1, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh năm nay đã có 59 năm tuổi Đảng. Ông Ngang sinh ra tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. “Lúc bấy giờ, tôi tham gia lực lượng du kích, hoạt động chống Pháp với nhiệm vụ canh gác, trinh thám, bảo vệ bộ đội và người dân không bị địch tập kích. Năm 1952, tôi đi bộ đội, phục vụ kháng chiến và chiến đấu tại vùng Cùa - Ba Lòng, thuộc chiến trường Bình - Trị - Thiên”, ông Ngang nhớ lại.

 Ông Lê Viết Trinh cùng vợ ôn lại ký ức một thời hào hùng - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Ông Lê Viết Trinh cùng vợ ôn lại ký ức một thời hào hùng - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến quân sự tạm thời. Lúc này, bộ đội ta tập kết ra Bắc. Ông Ngang cùng đồng đội được giao nhiệm vụ chống di dân, chống đói, chống hạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối nơi hậu phương miền Bắc. Năm 1956, ông được cấp trên giao phụ trách mảng hậu cần tại Quân khu 4.

Sau đó, ông được chuyển về công tác tại Nông trường Quyết Thắng, huyện Vĩnh Linh, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Với trí tuệ, tinh thần quả cảm và lòng nhiệt huyết, ông từng kinh qua nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy của chính quyền địa phương. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, ông Ngang được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều danh hiệu cao quý khác.

“Ngày 2/9/1945, tôi cùng đồng đội trong đơn vị đang huấn luyện. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên radio, chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc, reo hò vui sướng vì từ nay đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, quê hương được độc lập, tự do. Với bản thân mình, thắng lợi đó đã tạo nguồn động lực tinh thần to lớn để tôi quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu”, ông Ngang nói.

Cống hiến hết mình cho quê hương

Mặc dù năm nay đã 93 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng nhưng ông Phan Văn Dĩ ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, vẫn còn khỏe mạnh. Những ngày này, ký ức luôn nhắc ông nhớ về mùa thu lịch sử và Quốc khánh 2/9. “Khi nắm được thông tin về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi vui mừng khôn xiết. Bởi, Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 mở ra một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, người dân được làm chủ đất nước, có cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc”, ông Dĩ xúc động nói.

 Những ngày này, ông Phan Văn Dĩ dâng trào nhiều cung bậc cảm xúc về mùa thu lịch sử và Quốc khánh 2/9 - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Những ngày này, ông Phan Văn Dĩ dâng trào nhiều cung bậc cảm xúc về mùa thu lịch sử và Quốc khánh 2/9 - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Năm 17 tuổi, ông Dĩ tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. 1 năm sau, ông xung phong vào lực lượng du kích địa phương. Năm 1953, ông bị giặc Pháp bắt giữ sau 1 trận càn. Ông cùng 219 người khác bị giặc Pháp đưa lên tàu thủy rồi di chuyển vào Đà Nẵng.

Trong 1 tháng bị giam cầm tại nhà lao, ông bị tra tấn dã man. Không khai thác được thông tin gì từ ông nên kẻ địch chuyển ông về trại giam ở Huế, Quảng Trị sau đó đưa qua Lào. “Lợi dụng sơ hở của địch, năm 1954, tôi cùng nhiều đồng chí, đồng đội vượt ngục, băng núi vượt rừng để về quê tiếp tục chiến đấu. Sau khi Hiệp định Giơ-nevơ được ký kết, tôi tập kết ra Bắc học tập và phục vụ chiến đấu”, ông Dĩ kể.

Với những kiến thức được học và phẩm chất, đạo đức, kinh nghiệm được tôi rèn trong quân ngũ, từ năm 1969 - 1979, ông đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.

Đến năm 1980, ông nghỉ hưu những vẫn tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương khi đảm trách những công việc ở thôn, xóm. Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Tuy nhiên, với ông hạnh phúc là được cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170143&title=co-mot-ngay-mo-ra-tuong-lai-sang-