Có phải xuất trình giấy tờ gốc khi đã tích hợp vào thẻ căn cước?

Từ ngày 1/7, người dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì các đơn vị, cá nhân không được yêu cầu chủ thẻ xuất trình giấy tờ gốc đã tích hợp.

Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước (Luật số 26) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, trong đó có nội dung quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước, người được cấp thẻ căn cước và nội dung thể hiện trên thẻ căn cước.

Theo đó, Luật số 26 quy định thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ của người dân để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định pháp luật.

Mẫu thẻ căn cước áp dụng từ ngày 1/7.

Mẫu thẻ căn cước áp dụng từ ngày 1/7.

Bên cạnh đó, thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Bộ Công an khẳng định, từ ngày 1/7, trường hợp người dân phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu chủ thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ.

Trường hợp thông tin có thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.

Luật Căn cước cũng nêu rõ, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước này chứa danh tính điện tử và các thông tin khác đã được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Căn cước điện tử dùng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Một số tiện ích đã tích hợp để sử dụng trên VNeID.

Một số tiện ích đã tích hợp để sử dụng trên VNeID.

Bộ Công an dự báo, trong năm đầu tiên Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, khoảng 15 triệu thẻ căn cước sẽ được cấp. Trong đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cấp mới khoảng 5 triệu thẻ căn cước cho các trường hợp đủ 14 tuổi và trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu.

Ngoài ra, sẽ cấp 3 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân có thẻ căn cước gắn chip hết thời hạn sử dụng và phải đổi sang thẻ mới. Khoảng 7 triệu thẻ còn lại dành cho những người có nhu cầu đổi từ thẻ đang sử dụng sang thẻ căn cước.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-phai-xuat-trinh-giay-to-goc-khi-da-tich-hop-vao-the-can-cuoc-192240513224657244.htm