Cơ thủ Trần Quyết Chiến - Chuyện chưa kể

Ba lần vô địch World Cup, đương kim vô địch World Cup đồng đội, cơ thủ số 2, số 1 Việt Nam và vô số danh hiệu trong nước, khu vực Ðông Nam Á, Châu Á, các giải thi đấu quốc tế ở nội dung billiards carom 3 băng... Bộ sưu tập danh giá ấy đủ để nói lên tầm vóc của Trần Quyết Chiến - cơ thủ làm rạng danh bộ môn billiards của Việt Nam với những cột mốc lịch sử vô tiền khoáng hậu.

Phía sau thành công ấy là những câu chuyện mà không phải ai cũng tường tận về hành trình vượt khó, kiên trì, những nỗ lực phi thường của Trần Quyết Chiến để sống trọn vẹn với đam mê và vươn đến những đỉnh cao thành tích lẫy lừng.

Cơ thủ Trần Quyết Chiến

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi nắm chính xác thông tin quý giá: cha mẹ anh vẫn sinh sống tại thị trấn Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ông Trần Văn Trường, cha cơ thủ Trần Quyết Chiến, cho biết: “Từ năm 1988 đến nay, gia đình tôi chọn Cà Mau là quê hương thứ hai của mình. Những thông tin về con tôi có khi không đồng nhất với nhau, và cũng cần phải nói cho rõ thêm”.

Ông Trường kể: “Tôi quê gốc ở thôn Tân Thủy, xã Tân Mỹ Hà (Sơn Tân cũ), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1982, tôi vào Cái Nước, Cà Mau lập nghiệp. Ngược xuôi Nam - Bắc, đến năm 1984, Quyết Chiến được sinh tại quê gốc Hà Tĩnh. Ðến năm 1988, tôi đón vợ con vào Cà Mau, khi đó Quyết Chiến 4 tuổi. Từ lúc 4 tuổi cho đến hết cấp 3, Quyết Chiến đã được dưỡng dục, trưởng thành và sống trong tình cảm tốt đẹp của quê hương thứ hai là Cà Mau. Cũng chính tại Cà Mau, niềm đam mê với bộ môn bida của cháu được bộc lộ”.

Nói thêm về đứa con thứ trai thứ hai trong nhà, bà Trần Thị Hường, mẹ cơ thủ Trần Quyết Chiến, tâm sự: “Ngay từ nhỏ, cháu là đứa cá tính, đã đam mê, yêu thích điều gì là phải làm cho bằng được, đeo đuổi đến cùng. Cá tính nhưng không cá biệt, cháu học giỏi, 12 năm đều có giấy khen, và rất lễ độ, hiếu thảo”.

Ông Trần Văn Trường và bà Trần Thị Hường luôn tự hào về con trai - cơ thủ Trần Quyết Chiến với sự kiên trì, phấn đấu và đạt được những thành tích vang dội khi theo đuổi niềm đam mê ở bộ môn bida. Ảnh: Q.RIN

Là người cha nghiêm khắc, nền nếp, ông Trường luôn hướng con mình tập trung vào việc học tập, coi học tập là mục tiêu cao nhất, và đặt kỳ vọng lớn ở 3 đứa con trai là phải có bằng đại học. Khi biết Quyết Chiến có niềm đam mê đặc biệt với bida, cha mẹ cũng đã khuyên nhủ, tìm đủ mọi cách để con tập trung vào học tập, nhưng như lời của phụ huynh là “không cản được”. Quyết Chiến vẫn ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu đễ, nhưng bằng cách nào đó, vẫn tranh thủ để được chơi bida.

“Tâm trạng làm cha, làm mẹ khi ấy cũng lo lắng lắm. Những năm đó, bida được coi là trò tiêu khiển, bộ môn “ăn chơi”, đó là chưa kể tiềm ẩn những nguy cơ tệ nạn xã hội, dễ khiến tuổi mới lớn sa ngã. Vậy mà Quyết Chiến cứ mê mẩn, không dứt ra được”, ông Trường tâm sự. Nhưng hiểu và tin con mình, cha mẹ Trần Quyết Chiến vẫn lặng lẽ vừa theo dõi, vừa quán xuyến con trai, nhưng cũng không cấm đoán đến mức cực đoan.

Năm 2003, đúng như nguyện vọng của gia đình, Trần Quyết Chiến nhập học ngành điện tại Trường Ðại học Tôn Ðức Thắng, TP Hồ Chí Minh trong sự phấn khởi, vui mừng của mọi người. Cùng lúc, vợ chồng ông Trường, bà Hường chăm lo cho 3 con học đại học, thậm chí có lúc tính đến cả việc bán nền nhà duy nhất được cấp để chu toàn cho tương lai các con. Mọi thứ diễn ra êm đềm, sau hơn 4 năm, tức thời điểm lẽ ra Trần Quyết Chiến đã tốt nghiệp, thì một tin chấn động ập đến.

“Tôi nhận được giấy báo là Trần Quyết Chiến đã bỏ học từ năm thứ hai, giấy báo bằng cách nào đó được nhà trường gửi từ năm 2005, mà cho đến năm 2008 tôi mới thấy. Cũng không thể hiểu được là anh cả của Quyết Chiến học chung trường với nó, thằng em út cũng ở cùng để học đại học trường khác, mà vợ chồng tôi không biết một tin tức gì về việc động trời này”, ông Trường vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó. Về sau này, khi chiêm nghiệm lại, vợ chồng ông mới vỡ lẽ: “Anh em nó thương nhau, tin nhau, hiểu nhau và cùng giấu nhẹm hết với phụ huynh”.

Tết Nguyên đán năm 2008, Trần Quyết Chiến về Cà Mau thăm cha mẹ với cõi lòng ngổn ngang. Trong buổi họp mặt gia đình, Quyết Chiến vừa khóc vừa thú thật mọi chuyện: “Con không thể có tấm bằng đại học như ước nguyện của cha mẹ. Xin cha mẹ hãy tin con, cho con theo đuổi bộ môn bida. Con sẽ phấn đấu hết sức để được thi đấu ở Seagames, giải bida thế giới”.

Lần này, bậc làm cha, làm mẹ như ông Trường, bà Hường cảm thấy choáng váng, “nổi da gà”, cũng không thể tưởng tượng, hình dung được về tương lai của con mình. Sau giây phút ấy, bằng bản lĩnh và tình cảm của người cha, ông Trường vừa nghiêm khắc, nhưng cũng đầy lòng bao dung, yêu thương: “Các con đã lớn, cha mẹ đã nỗ lực hết sức để chăm lo chu toàn việc học cho các con. Riêng Quyết Chiến, nếu đã quyết định, con phải chấp nhận, chịu trách nhiệm với lựa chọn và tương lai cuộc sống của chính mình”.

Từ Cà Mau, Quyết Chiến lên TP Hồ Chí Minh một lần nữa với lời thề sắt đá: “Không thành công sẽ không còn mặt mũi về nhìn cha mẹ nữa”.

“Một mình nó bươn chải ở thành phố, không có bất cứ trợ cấp nào, vừa làm đủ việc kiếm thu nhập để có điều kiện rèn luyện, học hỏi kỹ năng môn bida. Những năm tháng đó, quả thật vợ chồng tôi vô cùng thương con. Nhưng phải để con tự trưởng thành, đủ can đảm và bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ðúng hay sai, tốt hay dở cũng là con mình, nhưng cháu phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân”, bà Hường tâm sự.

Từ năm 2012, cơ thủ Trần Quyết Chiến bắt đầu gặt hái được những thành công đầu tiên, từng bước trở thành tay cơ có sự thăng tiến bứt phá trong sự nghiệp. Ðó cũng là lúc mà ông Trường, mỗi giải con tham gia, ở nhà tỉ mẩn dò đài, có khi thức trắng nhiều đêm để được theo dõi con thi đấu. Trong đêm vắng, có khi ông rớm nước mắt, quặn lòng cùng những thất bại của con, và bật cười với niềm vui khôn tả khi con trai mình giành thắng lợi.

Kỷ niệm xúc động nhất của ông Trường là khi trực tiếp cổ vũ con tham gia thi đấu giải World Cup billiards diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2018. Năm ấy, Quyết Chiến lên ngôi vô địch một cách ngoạn mục. Cả người hâm mộ và ông Trường đều ùa ra ôm lấy Quyết Chiến để chúc mừng. Lần đầu tiên, đất nước Việt Nam có nhà vô địch thế giới ở nội dung bida carom 3 băng với niềm tự hào, vui sướng không thể diễn tả bằng lời.

Trần Quyết Chiến (thứ hai từ trái sang) lần thứ hai vô địch World Cup, anh là tay cơ duy nhất của Việt Nam đạt danh hiệu này. Ảnh: VOV

Ông Trường giờ đã trở thành một người đam mê và có sự am hiểu sâu sắc về bộ môn bida, đồng hành xuyên suốt với con: “Quyết Chiến có cái bản lĩnh là không nao núng khi thi đấu, càng gặp đối thủ khó, cháu càng đánh hay, xuất thần. Khi ai đó gọi nó là tay cơ Hà Tĩnh hoặc tay cơ Cà Mau, nó cười xòa, đều đúng cả, vì cả 2 đều là quê hương của mình. Tự hào hơn hết, Quyết Chiến mang trên mình vinh dự, trách nhiệm của Tổ quốc; có một giải đấu, cháu và huấn luyện viên bỏ cuộc, từ chối bình luận vì xuất hiện hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò phi pháp xâm phạm chủ quyền nước ta”.

Trong đời sống riêng tư, Trần Quyết Chiến có hậu phương vững chắc là người vợ giỏi giang, đảm đang, chị Phạm Kim Thoa, quê Long An. Giai đoạn khởi nghiệp, anh hầu như phải tự bỏ chi phí để tham gia các giải đấu, di chuyển liên tục, việc chu toàn cho 2 con và cả kinh tế gia đình đều do một tay vợ đảm trách.

Cơ thủ Trần Quyết Chiến đang đứng trước cơ hội lớn có thể vươn lên ngôi số 1 thế giới ngay trong tháng 5/2024, đỉnh vinh quang cao nhất trong sự nghiệp của một cơ thủ. “Quyết Chiến là đứa con hiếu thảo, luôn tìm đủ mọi cách để chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi có thời gian, nó lại về Cà Mau với chúng tôi. Nhưng thời điểm này, chúng tôi động viên con phải tập trung tối đa cho sự nghiệp, bởi đây là cơ hội ngàn năm có một. Ðó không chỉ là thành tích cho cá nhân Quyết Chiến, mà là vinh dự, tự hào cho cả đất nước”, song thân phụ mẫu của cơ thủ gởi gắm.

Chúc cơ thủ Trần Quyết Chiến “chân cứng đá mềm”, bản lĩnh như đã từng và tiếp tục làm rạng danh cho bộ môn bida của Việt Nam. Phía sau anh, là hàng triệu người hâm mộ cả nước, là gia đình, là quê hương Hà Tĩnh và Cà Mau luôn dõi theo, ủng hộ, tự hào, tự tin về một chiến thắng vinh quang nhất.

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/co-thu-tran-quyet-chien-chuyen-chua-ke-a32377.html