Công an khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước mùa nắng nóng

Để phòng chống đuối nước, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…

Công an thành phố Hà Nội tập huấn phòng chống thương tích, đuối nước cho học sinh.

Chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Theo Công an thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua (từ ngày 27/4-1/5), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 8 vụ đuối nước, khiến 9 người tử vong.

Trong các vụ đuối nước thương tâm trên, các nạn nhân đều trong độ tuổi thanh, thiếu niên, để lại hậu quả hết sức đau lòng.

Đặc biệt là vụ việc đuối nước thương tâm khiến 2 em học sinh tử vong cùng lúc xảy ra ngày 29/4/2024 trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Theo đó, 4 em học sinh lớp 11 đã rủ nhau ra khu vực bãi sông Hồng, đoạn mố cầu Vĩnh Tuy chơi và tắm sông. Trong lúc tắm, 2 học sinh bị nước cuốn trôi mất tích. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng cùng người dân tổ chức tìm kiếm và đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân dưới sông và đưa lên bờ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) khuyến cáo phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Các địa phương, gia đình cần quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian các em không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục, tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư.

Chủ động phòng ngừa đuối nước trong mùa nắng nóng

đuối nước là một tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè, xảy ra trong khi tham gia các hoạt động dưới nước. Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

Vì vậy, để phòng chống đuối nước, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân và cộng đồng một số nội dung sau:

1. Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…

2. Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy....

3. Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

4. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định.

5. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

6. Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước) đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội theo số máy 114.

7. Khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Ngọc Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cong-an-khuyen-cao-nguoi-dan-chu-dong-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-mua-nang-nong-179240507164929067.htm