Công bố Chương trình ALP 2023 – 2024 'Tương lai không gian sống Việt Nam' với chủ đề 'Trẻ hóa đô thị'

Dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, LIXIL Việt Nam - đơn vị tiên phong trong các chương trình trách nhiệm xã hội tìm kiếm giải pháp cho không gian sống người Việt – công bố Chương trình ALP 2023 – 2024 'Tương lai không gian sống Việt Nam' với chủ đề 'Trẻ hóa đô thị.

Tiếp nối thành công của ALP 2021 - 2022, chương trình mùa này đặt trọng tâm nghiên cứu 5 đề tài cấp thiết trong các đô thị lớn hiện nay.

Chương trình ALP 2023 – 2024 “Tương lai không gian sống Việt Nam” có chủ đề “Trẻ hóa đô thị”.

Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 bởi LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhằm mục đích kết nối và phát triển cộng đồng kiến trúc – thiết kế, hướng tới những mục tiêu dài hạn, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của ban tổ chức và các đối tác tham gia chương trình. ALP triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển và kết nối cộng đồng kiến trúc - thiết kế - xây dựng trên quy mô toàn quốc.

Trẻ hóa được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, trong kiến trúc đương đại, sự trẻ hóa diễn ra từ việc cải tạo nhằm thổi sức sống mới vào một tòa nhà cũ, tái phát triển một khu phố cũ, đến thiết kế các tòa nhà hoàn toàn mới và chuyển đổi toàn bộ thành phố.

Hội đồng cố vấn chuyên môn của ALP năm 2023 – 2024.

Chia sẻ về chủ đề năm nay, ông Uchidate Katsuaki - Tổng Giám đốc LIXIL Việt Nam, đại diện Ban tổ chức cho biết: ALP là một chương trình được khởi xướng và tổ chức bởi LIXIL Việt Nam từ năm 2016 với mục tiêu dài hạn, thể hiện trách nhiệm xã hội của Ban tổ chức và các đối tác tham gia chương trình. Trên hành trình đó, LIXIL đã và đang kết nối các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển… để tìm ra những giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội. “Trẻ hóa đô thị” là một trong số những vấn đề đó. “Chúng tôi kỳ vọng chủ đề này sẽ gợi mở những thảo luận, góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, những nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng xuyên suốt chương trình ALP 2023 - 2024”, ông Uchidate Katsuaki nhấn mạnh.

Đại diện đơn vị bảo trợ chuyên môn, KTS Đặng Kim Khôi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Không gian sống là phương diện quan trọng, có sự thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào suy nghĩ, trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế, sự biến động của đời sống, sự phát triển của khoa học công nghệ…

Trong kiến trúc đương đại, sự đổi thay đó gọi là “trẻ hóa”, được hiểu là việc chuyển đổi một phần hay toàn bộ, mang lại sức sống mới cho một công trình, một khu phố, một đô thị hay cả một thành phố. Với chủ đề “Trẻ hóa đô thị”, chương trình ALP năm nay chạm đến được rất nhiều đối tượng thụ hưởng từ người dân đến các kiến trúc sư, nhà quản lý, chủ đầu tư…

“Tôi kỳ vọng chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, gìn giữ và phục dựng những giá trị bản sắc vốn có của đời sống xã hội trong bối cảnh kinh tế phát triển, công cuộc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng”, ông Khôi chia sẻ.

Chương trình ALP 2023 – 2024 được triển khai theo cách thức mới, khi đưa ra 5 đề tài cho các đơn vị tham gia nghiên cứu. Trên cơ sở 5 đề tài, nhiều công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng đã bày tỏ sự quan tâm và gửi đề xuất với các hướng tiếp cận đa dạng. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, Hội đồng cố vấn và Ban tổ chức Chương trình ALP 2023 -2024 đã chọn ra 5 đơn vị nghiên cứu chính thức.

Cụ thể, đề tài “Không gian chuyển hóa nhịp sống đô thị”, đơn vị thực hiện là Công ty PVCHB; Đề tài “Đánh thức “nơi chốn” trong thành phố”, đơn vị thực hiện là Think Playgrounds; Đề tài “Chuyển hóa bãi chôn lấp thành công viên xanh: Nghiên cứu trường hợp Bãi chôn lấp Gò Cát - TP HCM”, đơn vị thực hiện là TA Landscape Architecture Vietnam; Đề tài “Đổi mới nhà phố - Mini Building”, đơn vị thực hiện là Công ty VUUV; Đề tài “Khu đô thị E-TOWN”, đơn vị thực hiện là Công ty TAT Architects studio.

Hội đồng cố vấn chuyên môn đã có những đánh giá về ý nghĩa nhân văn, tính thực tiễn cao của các đề tài được lựa chọn nghiên cứu, đồng thời đưa ra những đề xuất, góp ý để phát triển các nghiên cứu trên các phương diện: Nền tảng pháp luật và chính sách; Cụ thể hóa đối tượng nghiên cứu; Phương pháp nghiên cứu; Chú trọng sản phẩm đầu ra. Từ những ý kiến đó, các đơn vị nghiên cứu đã có định hướng rõ ràng và điều chỉnh sát với tình hình thực tiễn.

Các đề tài của 5 đơn vị nghiên cứu chính thức đã trải qua các vòng tham vấn, trao đổi định hướng, nhận xét kỹ lưỡng của Ban cố vấn trong buổi họp báo cáo đầu kỳ ngày 9/9. Các đề tài sẽ được thực hiện và nhận ý kiến phản biện trong buổi Hội thảo giữa kỳ diễn ra vào ngày 25/10 tới để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và hoàn thiện. Kết quả của các phương án nghiên cứu được công bố trong Hội thảo cuối kỳ và giới thiệu đến công chúng thông qua Triển lãm ALP Pavilion 2023 – 2024, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2024.

Chương trình ALP 2023 – 2024 “Tương lai không gian sống Việt Nam” tiếp tục nhận được sự đồng hành của các đơn vị Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA); Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA); Hiệp hội Thiết kế thành phố Hồ Chí Minh (VDAS); Bộ phận Bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam. ALP 2023 - 2024 tiên phong trong việc tạo nền tảng kết nối các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển đưa ra những giải pháp hồi sinh và phát triển đô thị, thể hiện tầm nhìn của LIXIL Việt Nam nhằm đáp ứng những giá trị thiết thực cho công đồng, xây dựng và phát triển tương lai không gian sống khỏe, chất lượng, an toàn và tốt đẹp hơn cho người Việt.

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cong-bo-chuong-trinh-alp-2023-2024-tuong-lai-khong-gian-song-viet-nam-voi-chu-de-tre-hoa-do-thi-362385.html