Công chứng viên chỉ ra 2 lỗi thường gặp khi bảo quản sổ hồng

Việc bảo quản sổ hồng không đúng cách khiến cho nội dung trên sổ bị nhòe, mất chữ... dẫn đến việc công chứng hợp đồng giao dịch gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với PLO, chị Đức Hiền (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, chị có một miếng đất cần chuyển nhượng, khi đến văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng thì gặp phải tình huống tréo ngoe là khi công chứng viên (CCV) mang sổ hồng (chị để trong hai tờ bìa bóng đã nhiều năm) ra kiểm tra thì phát hiện bị dính chữ tèm nhem, nhiều nội dung trên sổ không rõ. Điều này khiến cho việc công chứng gặp khó khăn.

Trên thực tế không chỉ riêng chị Hiền, mà nhiều người dân khác cũng gặp tình huống tương tự vì bảo quản sổ hồng không tốt.

Trao đổi với PLO, TS.CCV Ninh Thị Hiền, Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền (TP.HCM) cho biết, thực tiễn trong quá trình chứng nhận hợp đồng giao dịch liên quan đến nhà đất, có nhiều trường hợp khách hàng bảo quản sổ hồng không đúng cách. Đa phần rơi vào hai trường hợp là bọc nhựa hoặc ép plastic.

Theo TS.CCV Ninh Thị Hiền, việc người dân bảo quản sổ hồng bằng hai cách này có nhiều nguy hiểm.

Đối với trường hợp người dân bọc nhựa, khi công chứng thì CCV bắt buộc phải tháo lớp nhựa ra để kiểm tra chứng từ, lúc này một phần chữ đã bị dính vào lớp nhựa làm mất nội dung ghi trên sổ hồng, gây khó khăn cho việc đánh giá chứng từ của CCV.

Sổ hồng được nhiều người dân bảo quản bằng cách bọc nhựa. Ảnh: VPCC Ninh Thị Hiền

Chữ bị dính vào bìa bảo quản.

Còn trong trường hợp người dân bảo quản bằng cách ép plastic, khi tiến hành công chứng thì CCV không thể kiểm tra được chứng từ vì đã có một lớp nhựa bị dính chặt vào nội dung cần kiểm tra.

Bên cạnh đó, sau khi chứng nhận hợp đồng giao dịch thì người dân cũng không thể cập nhật thông tin lên sổ hồng vì đã bị ép nhựa cứng. Hiện nay, để bóc tách lớp ép plastic này ra nhiều khách hàng cho biết họ phải tốn hết 1,5 triệu đồng, điều này là quá tốn kém.

"Như vậy, cách tốt nhất để bảo quản giấy chứng nhận hiện nay đa phần là không bọc nhựa cũng không ép plastic, chỉ cần bảo quản kỹ, tránh nơi ẩm ướt, mối mọt", TS Ninh Thị Hiền cho lời khuyên.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-chung-vien-chi-ra-2-loi-thuong-gap-khi-bao-quan-so-hong-post789327.html