Công đoàn lựa chọn giúp cán bộ cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Năng lực, phẩm chất của các đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Các đồng chí chủ trì Tọa đàm.

Các đồng chí chủ trì Tọa đàm.

Trong lời đề dẫn Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: dù ở cương vị nào, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gắn bó với nhân dân, trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc, của giai cấp.

Sự tham gia và khẳng định về năng lực, phẩm chất của các đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: Đảng đã đặt ra yêu cầu đối với cán bộ công đoàn cần có, đó là: “Chuyên nghiệp, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm”. Họ phải là người có kiến thức về chuyên môn, nắm vững lý luận và nghiệp vụ công đoàn; nhiệt tình, tâm huyết với phong trào; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao; luôn kiên định với mục tiêu của tổ chức. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đấu tranh vì lợi ích của tập thể, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Ngoài ra, cán bộ công đoàn cũng phải có kiến thức về công nghệ, bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, sử dụng mạng xã hội thông minh để chọn lọc và kịp thời chia sẻ thông tin đến với công chúng là cán bộ, đoàn viên, người lao động. Góp phần đưa hình ảnh của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động đến gần hơn với người lao động.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định Tọa đàm đã đề cập đến vấn đề Đảng ta cần quan tâm trước mắt trong vấn đề xây dựng Đảng.

Do vậy, với vai trò, vị trí của mình, tổ chức Công đoàn phải giúp cho Đảng trong việc lựa chọn cán bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh thành phần giai cấp công nhân, cán bộ trưởng thành từ giai cấp công nhân, cần chú ý đội ngũ quản lý.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt phát biểu tại Tọa đàm.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt phát biểu tại Tọa đàm.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng dẫn nội dung của Nghị quyết số 20/NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Nghị quyết số 02/NQ/TW, ngày 12.6.2021 của Bộ Chính Trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất và nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đề nghị việc tuyển dụng cán bộ công đoàn nên để cho tổ chức Công đoàn chủ động thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng; giao biên chế cho tổ chức Công đoàn trên cơ sở số lượng đoàn viên mà tổ chức này phát triển và có được; đồng thời, giao cho tổ chức Công đoàn Việt Nam có toàn quyền tuyển dụng, đào tạo, qui hoạch và phân bổ biên chế về các địa phương, các ngành sau khi bàn bạc và thống nhất với Đảng bộ địa phương và ngành.

Kết luận Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Tọa đàm đã lắng nghe 9 tham luận và 2 ý kiến tâm huyết bao hàm cả những cơ sở lý luận và thực tiễn, cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn.

Từ cơ sở các tham luận và ý kiến, Ban tổ chức mong muốn phát triển, nghiên cứu sâu hơn nữa, tiếp tục tổ chức các cuộc Tọa đàm cũng như hội thảo cấp quốc gia về vấn đề này.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu kết luận.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu kết luận.

Đồng chí Lê Quốc Minh cũng ghi nhận trên thực tế: công nhân, cán bộ công đoàn trưởng thành, phát triển sang làm lãnh đạo Đảng, quản lý Nhà nước nhiều, tập trung vào các giai đoạn cách mạng trước đây. Còn hiện tại, số lượng này đang có xu hướng giảm rõ rệt. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự trưởng thành từ cán bộ công đoàn, phần lớn trưởng thành thông qua luân chuyển, chỉ có một thời gian ngắn làm công tác công đoàn.

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, đã có nhiều cán bộ công đoàn rất ưu tú, được suy tôn, ghi nhận và biểu dương, có những bước thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, ở một số địa phương còn tình trạng, nhiều cán bộ công đoàn có nhiều cống hiến, đóng góp, nhiệt tình với công tác nhưng không được thừa nhận, động viên nên chỉ sau một đến hai nhiệm kỳ lại xin trở về làm công tác chuyên môn, do không thấy có cơ hội phát triển. Để thay đổi thực tế này, đòi hỏi chúng ta cần thay đổi từ nhận thức, chủ trương của lãnh đạo các đơn vị cho đến các cấp cao hơn, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ đoàn viên, người lao động.

Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi đoàn viên, người lao động, các cán bộ công đoàn, cán bộ lãnh đạo về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Việc Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tham gia Tọa đàm cũng mang ý nghĩa này.

Sau Tọa đàm, hai cơ quan báo chí sẽ đi sâu nghiên cứu một số vấn đề về mặt lý luận cũng như tổ chức các tuyến bài, đề xuất những chính sách để lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa về công tác này.

Trong số 11 đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) có 5 đồng chí trưởng thành trực tiếp từ phong trào công nhân: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và 1 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh).

Trong số 13 đồng chí Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) qua các thời kỳ có 3 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

- Trong số 12 đồng chí Chủ tịch Quốc hội, có 2 đồng chí trưởng thành từ phong trào công nhân: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và 1 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng);

Trong số 8 đồng chí Thủ tướng Chính phủ (không tính Chủ tịch Hồ Chí Minh) qua các thời kỳ, có 1 đồng chí trưởng thành từ cán bộ công đoàn (Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười);

Trong số 10 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả Chủ tịch danh dự) qua các thời kỳ có 3 đồng chí trưởng thành từ phong trào công nhân, tham gia hoạt động công đoàn: Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Thế Duyệt.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-doan-lua-chon-giup-can-bo-cho-dang-gop-phan-xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-post810089.html