Công nhân bị áp lực vì 'tín dụng đen'

Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Công nghiệp (KCX-CN) TPHCM, cho biết, 'tín dụng đen' đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân lao động tại các KCX-CN với nhiều hình thức hết sức tinh vi và rất đa dạng, thông qua ứng dụng trên điện thoại (app), qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua mạng xã hội...

Sáng nay, 7-12, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow Làm sao để không rơi vào bẫy "tín dụng đen?". Talkshow nhằm giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của việc vay lãi nặng; khi có nhu cầu vay thì cần vay ở đâu, thủ tục ra sao, trách nhiệm đối với khoản vay ra sao….

Tại talkshow, các khách mời đã nhắc lại nhiều vụ việc người vay nợ và người thân, quen của người vay nợ bị “xã hội đen” khủng bố.

 Các khách mời tham gia ý kiến tại talkshow

Các khách mời tham gia ý kiến tại talkshow

Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TPHCM, cho biết, "tín dụng đen" đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân lao động tại các KCX-KCN với nhiều hình thức hết sức tinh vi và rất đa dạng. Ví dụ như thông qua ứng dụng trên điện thoại (app), qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua mạng xã hội; với những lời quảng cáo như có thể vay với thời gian ngắn nhất, thủ tục vay đơn giản nhất...

"Tín dụng đen" cũng tập trung vào những đoàn viên, công nhân lao động có khó khăn đột xuất trong đời sống hàng ngày như tiền cơm, tiền trọ, tiền học của con cái… Nhóm đối tượng khó khăn này cũng đang trong thời gian chờ đợi để làm thủ tục vay tại các ngân hàng. Khi vay "tín dụng đen", họ quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, hoặc lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi. Có những trường hợp không có lối ra.

Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ đoàn viên, công nhân lao động mê cờ bạc, vướng vào các tệ nạn xã hội khác rồi dẫn đến vay "tín dụng đen".

“Tín dụng đen gây ra hệ lụy lớn đối với người vay. Nếu không trả nợ kịp sẽ có những tin nhắn, cuộc gọi đến công ty, đồng nghiệp gây áp lực, buộc những người này phải trả tiền. Điều này khiến công nhân bị căng thẳng, áp lực về tinh thần. Đây là thực trạng đang diễn ra tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, các KCN-CX của TPHCM”, ông Lâm Ngọc Mẫn nêu thực tế.

Ông Lương Quốc Cương, Trưởng phòng Quản lý tín dụng Tổ chức tài chính vi mô CEP cũng nhìn nhận, nhiều người không được tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng vì khi vay ngân hàng thì phải làm nhiều thủ tục, mất thời gian hơn. Do đó là tìm đến "tín dụng đen".

Tham gia talkshow, các khách mời cho rằng hiện khung pháp lý của pháp luật đã đủ để răn đe các đối tượng "tín dụng đen" nhưng điều quan trọng là cần làm cho người dân hiểu về những chiếc bẫy "tín dụng đen", một khi đã dính vào thì khó thoát. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý, siết chặt các hoạt động vay tự phát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác đối với hoạt động "tín dụng đen".

Công an các quận, huyện nên tăng cường nắm bắt tình hình, nhất là đối với các cơ sở cho vay, cầm đồ để kịp thời phát hiện. Đồng thời, quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự; mở các đợt cao điểm đấu tranh, phòng chống tội phạm, triệt phá đường dây đánh bạc, các hình thức huy động vốn.

Các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ hơn về việc cho vay trong lĩnh vực dân sự; vận động những người có liên quan khi vay tiền phải thông qua công chứng để ràng buộc chặt chẽ hơn…

Ông Lương Quốc Cường cho biết thêm, hiện nay, có nhiều tổ chức tín dụng kể cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Người lao động có thể liên hệ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa phương hoặc liên hệ Quỹ CEP. Quỹ CEP có mạng lưới rộng khắp tại phường, xã và công đoàn cơ sở. Ngoài ra còn nhiều tổ chức tín dụng phi lợi nhuận, công ty tài chính, ngân hàng được cấp phép.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-nhan-bi-ap-luc-vi-tin-dung-den-post717362.html