Công nhân lao động thời 4.0

Nhanh nhạy, tư duy sáng tạo… là tác phong làm việc của công nhân lao động (CNLĐ) trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nhân Công ty TNHH Topband Việt Nam (H.Long Thành) thích ứng nhanh với công nghệ sản xuất 4.0. Ảnh: L.MAI

Công nhân Công ty TNHH Topband Việt Nam (H.Long Thành) thích ứng nhanh với công nghệ sản xuất 4.0. Ảnh: L.MAI

Đứng trước yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất của các doanh nghiệp (DN), đội ngũ CNLĐ trên địa bàn Đồng Nai ngày càng tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, làm chủ công nghệ và khẳng định được bản thân trong công việc.

* Nhạy bén, sáng tạo

Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (chuyên sản xuất cơ khí chính xác ở H.Trảng Bom) hiện có trên 1 ngàn CNLĐ, trong đó 75% là lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Những năm qua, DN chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và lực lượng lao động này trở thành đội ngũ chủ chốt để vận hành những cỗ máy tự động hóa sau khi được lắp đặt. Sự sáng tạo, tiếp cận công nghệ nhanh của CNLĐ góp phần đưa chất lượng sản phẩm của công ty ngày một nâng cao.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó giám đốc sản xuất công ty cho biết, những năm gần đây, để đổi mới sản xuất, DN nhập các thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất như: máy tiện CNC cơ khí, máy khoan tự động… Nhận thấy được sự đổi mới của DN, đội ngũ CNLĐ đã chủ động tìm tòi, nâng cao tay nghề, sáng tạo trong công việc để không bị lạc hậu. Hiện CNLĐ kỹ thuật cao tại DN đang giữ vai trò chủ chốt ở từng xưởng sản xuất với mức thu nhập khá cao.

Thời gian qua, đã có nhiều DN tri ân những đóng góp của CNLĐ bằng cách nâng lương, tăng tiền thưởng hoặc sắp xếp vào làm các bộ phận chủ chốt. Tuy nhiên, những “phần thưởng” đó chưa đủ tương xứng với công sức, trí tuệ CNLĐ bỏ ra. Do đó, rất cần nhiều chính sách chăm lo phúc lợi lâu dài để CNLĐ ngày càng gắn bó, cống hiến cho DN.

“Chúng tôi đánh giá rất cao về năng lực, tư duy nhạy bén của CNLĐ trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Nhiều lao động đã khẳng định được bản lĩnh, tay nghề của mình qua các sáng kiến, sáng tạo và biết sử dụng chất xám vào công việc đúng thời điểm. Vì vậy, họ luôn được DN trọng dụng và thực hiện các phúc lợi tốt để giữ chân nguồn nhân lực này” - ông Sinh chia sẻ.

Tại Công ty TNHH May mặc United Sweethearts Việt Nam (H.Nhơn Trạch), từ năm 2018, DN này mở rộng sản xuất và tăng thêm các chuyền may nhưng thiếu thợ cắt. Trước khó khăn của DN, công nhân Nguyễn Thành Phương đã đề nghị với DN đầu tư máy cắt tự động và anh là người xung phong đi học lớp cắt, sau đó đảm nhận cắt tự động và hướng dẫn cho đồng nghiệp cùng làm. Anh đã giúp DN giảm được nhân công, tiết kiệm chi phí 120 ngàn USD/năm.

Anh Phương cho biết, bản thân anh luôn suy nghĩ làm việc ở bất kỳ vị trí nào nếu biết tìm tòi và phát huy thế mạnh của mình thì sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến trong công việc.

Theo các DN, với những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản xuất của khách hàng, DN đã chú trọng đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Song DN cũng đặt ra nhiều yêu cầu với CNLĐ về tay nghề, năng lực và tác phong làm việc. Từ những yêu cầu trên, CNLĐ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tự nghiên cứu, thi đua sản xuất, hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều CNLĐ còn tích cực tham gia vào các phong trào sáng kiến, cùng DN thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nên thương hiệu, giá trị cho sản phẩm và hướng đến phát triển bền vững.

* Tích cực học tập, làm chủ công nghệ

Công ty TNHH Bosch Việt Nam (H.Long Thành) là một trong những DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. DN rất chú trọng đào tạo kỹ thuật, kỹ năng làm việc để CNLĐ tiếp cận nhanh và vận hành hệ thống máy móc tự động hóa trong sản xuất.

Anh Trần Minh Lộc, kỹ sư cao cấp công ty cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi CNLĐ tích cực học tập, nghiên cứu và biết làm chủ công nghệ. Do đó, nếu không tự “nâng cấp” mình thì sẽ sớm lạc hậu so với yêu cầu và tính chất công việc hiện nay.

Anh Uông Văn Đường, làm việc tại Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch):Cần khen thưởng kịp thời để CNLĐ phát huy năng lực

Các DN nên có cơ chế khen thưởng cao để khuyến khích CNLĐ ngày càng phát huy thế mạnh, năng lực của mình. Vì trong một dây chuyền sản xuất, nếu hư hỏng một công đoạn nào đó, chỉ có công nhân mới phát hiện ra và sửa chữa kịp thời. CNLĐ đóng vai trò rất quan trọng, không những tạo ra của cải vật chất mà còn giúp các DN sản xuất bền vững.

Theo các cán bộ Công đoàn, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng làm cho trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của CNLĐ được nâng cao. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với lao động tay nghề thấp. Do đó, CNLĐ cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng để đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Đội ngũ CNLĐ nếu được đào tạo nghề đúng định hướng công việc hiện tại sẽ khẳng định được vị thế của mình trong sự phát triển của DN cũng như dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Advanced Multitech Việt Nam Đỗ Thị Thúy Kiều cho hay, thời gian qua, công ty đã chủ động áp dụng máy móc thiết bị đơn giản, dễ học, dễ vận hành, phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng cho CNLĐ hiểu về công nghiệp 4.0 và mở các khóa đào tạo để CNLĐ nhận thức về xu thế phát triển công nghiệp, tạo ra môi trường làm việc hiện đại, đảm bảo sức khỏe, không mất nhiều sức lao động.

Thực tế trước đây, nhiều CNLĐ luôn lo lắng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đe dọa lao động phổ thông do bị thay thế bằng robot tự động và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đây là cơ hội để CNLĐ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Mặt khác, CNLĐ sẽ giảm sức lao động, không còn vất vả làm thủ công như trước. Song để có thể thích ứng nhanh, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho CNLĐ phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó, chú trọng đào tạo theo hướng trang bị tay nghề, thái độ lao động để CNLĐ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm cả hiện tại và sau này.

Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Topband Việt Nam (H.Long Thành) Liao Shu Jiang cho hay, cuối năm 2021, DN đã nhập hàng loạt máy tự động hóa vào sản xuất linh kiện điện tử. Trong đó, DN ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và cần đội ngũ lao động chuyên nghiệp. Dù vậy, việc tuyển lao động tay nghề để vận hành những loại máy này không hề dễ dàng đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của DN. Điều này cho thấy vai trò của CNLĐ rất quan trọng trong việc đồng hành cùng DN duy trì sản xuất và phát triển ổn định.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202304/chao-mung-ngay-quoc-te-lao-dong-1-5-cong-nhan-lao-dong-thoi-40-3164710/